Cập nhật: 05/11/2019 09:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, mặt bằng giá lợn hơi cả nước đang ở mức 50 tới 62 nghìn đồng/kg. Cá biệt tại một số nơi giá lợn hơi đã đạt mức 65, 70 nghìn đồng/kg. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, giá lợn tăng là do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi. Tuy nhiên, thời điểm này, người nông dân và các chủ trang trại chăn nuôi nên thận trọng khi tái đàn, bởi dịch bệnh vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp.     

Khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Khắc Tự thôn Thượng, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường đầu tư gần 300 triệu đồng để chăn nuôi lợn từ 10 năm nay. Nhưng giờ thì phải bỏ không vì đàn lợn gia đình ông bị tiêu hủy do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thành quả sau bao nhiêu năm chăn nuôi giờ là hai bàn tay trắng. Mặc dù được tỉnh hỗ trợ gần 90 triệu đồng nhưng cũng chỉ giúp ông phần nào trang trải cho khoản nợ ngân hàng chưa nói đến đầu tư tái sản xuất. Chưa vội tái đàn lợn, ông Tự đã cải tạo một phần chuồng trại để chuyển hướng sang chăn nuôi vịt. Hiện nay, gia đình ông đang nuôi gần 3000 con vịt thịt và gần 200 con vịt đẻ. Tận dụng chuồng trại có sẵn kết hợp với diện tích ao cá nên chi phí đầu tư cũng không cao đã phần nào giúp gia đình ông ổn định cuộc sống.

Trong bối cảnh 29/29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Tường vẫn còn dịch tả lợn châu Phi, trên 2.100 hộ có dịch, tổng số lợn bị tiêu hủy là trên 36.600 con, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã khuyến cáo bà con nông dân chưa vội tái đàn bởi mầm bệnh, nguồn virus vẫn còn lưu hành dễ dẫn tới nguy cơ tái phát ổ dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Với những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, không đảm bảo các điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học thì chọn vật nuôi khác để đảm bảo an toàn.

Trong bối cảnh giá lợn trên thị trường đang tăng lên từng ngày, nhiều hộ chăn nuôi lợn đang có xu hướng tái đàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, việc tăng đàn, tái đàn cần phải tuân thủ nguyên tắc chặt chẽ, chỉ tăng đàn tại các cơ sở chăn nuôi lớn, có đủ điều kiện đảm bảo an toàn sinh học mới tập trung tăng đàn. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc mới đây đã có văn bản chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh về việc tái đàn chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gần khu dân cư, không đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học thì nên hạn chế tăng đàn, tái đàn. Nhằm không để xẩy ra rủi ro, thiệt hại do dịch có thể tái phát. Bởi thời gian vừa qua, trong  29.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô từ vài con đến vài chục con là đối tượng bị nhiễm dịch bệnh tả lợn Châu Phi nhiều nhất. Đối với các doanh nghiệp, trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn khuyến khích thực hiện tái đàn theo hướng an toàn sinh học.

Theo Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giá lợn tăng nhanh một phần là do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cho biết nhiều cơ sở chăn nuôi trong nước cũng có tâm lý “găm hàng” chờ giá cao hoặc là kéo dài thời gian nuôi để tăng trọng lượng lợn. Để ổn định giá cả các mặt hàng thực phẩm cuối năm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép tăng đàn lợn ở các cơ sở chăn nuôi có đủ điều kiện, đồng thời khuyến cáo người dân không xuất lợn theo đường tiểu ngạch để ổn định nguồn hàng cho tiêu dùng trong nước.

Hiện nay, tình hình dịch tả lợn Châu phi vẫn diễn biến phức tạp, lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở đang tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; đồng thời tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt quy trình phòng bệnh, nhất là vệ sinh, khử trùng tiêu độc hàng ngày. Sau khi công bố hết dịch, người chăn nuôi lợn có thể tái đàn, song cần thận trọng, lưu ý áp dụng chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, không nên tái đàn ồ ạt và hạn chế chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ./. 

Lưu Trường

Tệp đính kèm