Sau 22 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông đến nay Vĩnh Phúc đã trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước. Năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối được ngân sách và có đóng góp cho ngân sách Trung ương. Năm 2018, thu ngân sách của Vĩnh Phúc đạt gần 33.000 tỷ đồng, là địa phương có số thu nội địa xếp thứ 2 ở Miền Bắc. Nhiều năm liền, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Môi trường đầu tư thông thoáng, hướng đến cộng đồng doanh nghiệp theo triết lý “Tất cả nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc - Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”. Với những kết quả đạt được trong hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ phát huy được hiệu quả, khẳng định Vĩnh Phúc là điểm đến thành công của các nhà đầu tư.
Tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia. Vĩnh Phúc là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong 3 vùng quy hoạch: Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Vĩnh Phúc là hơn 1.230 km2, gồm 9 đơn vị hành chính: 2 thành phố, 7 huyện với dân số hơn 1,1 triệu người.
Vĩnh Phúc nằm ở vị trí địa lý của nhiều nút giao thông quan trọng là đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thuỷ toả đi khắp đất nước; thuận lợi trên trục phát triển kinh tế của Việt Nam và trở thành một bộ phận cấu thành của vành đai phát triển công nghiệp các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Tỉnh Vĩnh Phúc nằm liền kề với thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với sân bay quốc tế Nội Bài, là điểm đầu của Quốc lộ 18 đi cảng nước sâu Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh, hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 2 Việt Trì - Hà Giang - Trung Quốc, hành lang đường 18 và đường vành đai IV thành phố Hà Nội; có hệ thống đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 2 chạy dọc tỉnh.
Vĩnh Phúc có 4 sông chính là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ. Vĩnh Phúc có ba vùng sinh thái rõ rệt: đồng bằng, trung du và miền núi hết sức thuận tiện cho phát triển nông - lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp và du lịch - dịch vụ. Một trong những ưu thế của Vĩnh Phúc so với các tỉnh xung quanh Hà Nội là có diện tích đất đồi khá lớn của vùng trung du có đặc tính cơ lý tốt thuận tiện cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp.
Vĩnh Phúc nằm trong vùng quy hoạch du lịch trọng điểm quốc gia: Có khu nghỉ mát Tam Đảo, với độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, nằm trong khu rừng nguyên sinh khoảng 1.500ha. Để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, Vĩnh Phúc đã chủ động trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ ở trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư, sớm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư về đất đai, hạ tầng.
Hiện nay, Vĩnh Phúc đã quy hoạch phát triển 19 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 5.527ha, trong đó có 6 khu đã đi vào hoạt động. Vĩnh Phúc hiện có quỹ đất hàng 100ha ở các khu công nghiệp sẵn sàng đón nhận các dự án vào đầu tư. Vĩnh phúc là điểm sáng trong thu hút đầu tư của khu vực phía bắc Việt Nam, với tổng số 230 dự án FDI vốn đầu tư hơn 3,55 tỉ đô la mỹ và 646 dự án DDI với tổng số vốn đầu tư hơn 51 nghìn tỉ đồng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Ngay từ khi mới tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã sớm xác định phương châm phát triển kinh tế là lấy công nghiệp làm nền tảng, dịch vụ du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng. Để biến phương châm thành hiện thực, tạo những bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nghị quyết, chương trình, cơ chế, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh được ban hành trong từng thời điểm, phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn của mỗi giai đoạn cụ thể.
Ở giai đoạn đầu sau tái lập, khi nội lực còn hạn chế, tỉnh chủ trương tập trung mọi nguồn lực và tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn này, tỉnh thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” và “đi tắt đón đầu”, tập trung ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Kim Hoa, Cụm công nghiệp Khai Quang và Cụm công nghiệp Quang Minh, tạo quỹ đất và vị trí địa lý thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nên đã thu hút được một số dự án làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau này.
Với những lợi thế vốn có, cùng những cơ chế, chính sách mở đã giúp Vĩnh Phúc trở thành lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước ngay sau khi tái lập tỉnh. Liên tiếp những doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu của Nhật Bản là Toyota và Honda đã lựa chọn thực hiện các dự án dài hơi tại phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên là minh chứng rõ nét nhất cho chủ trường đúng đắn trong công tác thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh những năm đầu tái lập.
Sự có mặt của Toyota và Honda đã trở thành cánh chim đầu đàn cho ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc và là thỏi nam châm với sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nói chung và các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho công nghiệp ô tô, xe máy nói riêng đến với tỉnh. Chỉ một thời gian ngắn, hàng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện cho ô tô xe máy đã có mặt tại Vĩnh Phúc với những dự án quy mô, mở ra một trang mới cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và của cả nước nói chung. Không chỉ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả của các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã thực sự đưa lĩnh vực công nghiệp nhanh chóng trở thành nền tảng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc trong giai đoạn mới.
Bên cạnh việc chuẩn bị về mặt hạ tầng, tỉnh Vĩnh Phúc cũng áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động tại địa phương. Trong đó, có thể kể đến những ưu đãi về thuế, chẳng hạn áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất sản phẩm phần mềm, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải, sản xuất vật liệu composit, vật liệu quý hiếm; hay mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong thời gian 10 năm đối với những dự án sản xuất thép cao cấp, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm hoặc phát triển ngành nghề truyền thống.
Ngoài ra, tùy theo ngành nghề dự án, các doanh nghiệp có thể được áp dụng chế độ miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2 đến 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp từ 4 đến 9 năm tiếp theo. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ hay những linh kiện, chi tiết, phụ tùng gắn với thiết bị, máy móc cũng như các nguyên liệu, vật tư thiết yếu nhưng chưa được sản xuất tại Việt Nam cũng được miễn thuế nhập khẩu. Không những thế, tỉnh còn ban hành chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước trong một số trường hợp.
Song song với việc cải tiến quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, khắc con dấu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã giảm một số khoản phí như phí cấp phép xây dựng, phí cấp phép cho người lao động ngoại quốc, phí dịch vụ để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ việc bồi thường kinh phí giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp và kinh phí xây dựng nhà ở cho công nhân của các khu công nghiệp.
Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư chung của cả nước như: Thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất nhập khẩu; ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; ưu đãi về đất đai; dự án trong lĩnh vực xã hội hóa, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn ở địa phương để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nói chung và đầu tư phát triển hạ tầng các KCN nói riêng. Trong đó áp dụng chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng với mức không quá 15% theo phương án bồi thường; hỗ trợ 100% kinh phí khi phải cưỡng chế giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 57/2016 của HĐND tỉnh.
Đối với các dự án FDI vào lĩnh vực xã hội như: Giáo dục, y tế, văn hóa tỉnh sử dụng ngân sách để hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng và áp dụng như các dự án đầu tư trong nước sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ chi phí lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư trên địa bàn như: Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất ôtô, xe máy, điện tử, viễn thông; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh doanh du lịch với các loại hình sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn nhiều nhà đầu tư hạ tầng KCN đã lựa chọn Vĩnh Phúc để hiện thực hóa mục tiêu hình thành các KCN quy mô, hiện đại trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 18 khu công nghiệp với quy mô trên 5.200ha; 9 KCN được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó, có 2 chủ đầu tư là doanh nghiệp FDI và 6 chủ đầu tư là các doanh nghiệp DDI, trong đó có 1 doanh nghiệp DDI là chủ đầu tư hạ tầng 2 KCN. Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng và trên 100 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đã bồi thường và xây dựng hạ tầng đạt gần 90%. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất khu công nghiệp đạt trên 62%. Nhiều KCN có tỷ lệ lấp đầy cao, trong đó có 3 KCN tỷ lệ lấp đầy đạt 100% là KCN Kim Hoa, KCN Bá Thiện giai đoạn I và KCN Bình Xuyên II, KCN Khai Quang đạt 98%... Đã có nhiều doanh nghiệp đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh với 335 dự án; trong đó có 282 dự án FDI, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD; 53 dự án DDI, tổng vốn đầu tư hơn 6.537,85 tỷ đồng.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy đối với các KCN đã hình thành, Vĩnh Phúc còn tập trung thu hút các dự án, các nhà đầu tư lớn về hạ tầng KCN để hình thành nên những KCN kiểu mẫu như KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên, nhằm thu hút các dự án đầu tư mới có hàm lượng công nghệ cao, đảm bảo các yếu tố về môi trường và tận dụng tốt những lợi thế mà địa phương sẵn có.
Thời gian gần đây, chính sách của tỉnh là tập trung thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ sạch, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm đất, hướng tới các dự án sử dụng công nghệ cao, các dự án công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh thu hút các dự án trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, tạo ra sự phát triển bền vững. Tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp hiện có; ưu tiên các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao. Chủ động quỹ đất để xây dựng các khu công nghiệp mới theo yêu cầu của thị trường, phù hợp quy hoạch được duyệt.
Ngoài các KCN đang được lấp đầy, hiện nay KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, KCN Sơn Lôi; KCN Tam Dương II – Khu A, Khu B và KCN Chấn Hưng huyện Vĩnh Tường đang trong thời gian xây dựng và bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất cho thu hút đầu tư. Để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án này, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tập trung quyết liệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở bên ngoài các KCN như: điện, nước, đường giao thông nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của các KCN trên địa bàn.
Vĩnh Phúc thu hút đầu tư theo hướng bền vững
Với triết lý “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”. Các dự án đầu tư vào tỉnh luôn có sự đồng hành của chính quyền địa phương cùng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển. Triển khai thực hiện các nội dung CCHC, Vĩnh Phúc đã đi tiên phong thực hiện CCHC theo cơ chế “Một cửa, một đầu mối”. Ban quản lý các KCN tỉnh là cơ quan đầu mối trong công tác thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, thực hiện các nhiệm vụ về xúc tiến đầu tư, hướng dẫn, giúp đỡ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về đầu tư, trực tiếp theo dõi quá trình triển khai dự án sau cấp giấy chứng nhận đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Các nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Ban quản lý KCN đều rút ngắn 2/3 thời gian làm các thủ tục hành chính theo quy định. Hồ sơ, quy trình giải quyết thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai, minh bạch.
Nằm trong vùng thủ đô với nhiều lợi thế trong hợp tác phát triển với các địa phương khác trong khu vực, Vĩnh Phúc đã ban hành các chính sách hấp dẫn, tạo nên một hình ảnh thân thiện, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh đã chủ động tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư ở nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh thu hút xúc tiến đầu tư tại chỗ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng hành cùng doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý. Thông qua việc tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ doanh nhân hàng tuần để lắng nghe, chia sẻ và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, trên cơ sở vận dụng đúng đắn, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đã thực hiện chính sách trải thảm đỏ thu hút các doanh nghiệp quan tâm đến môi trường đầu tư của tỉnh nhằm tạo ra làn sóng đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung. Nếu như giai đoạn từ năm 1997-2002, toàn tỉnh chỉ thu hút được 89 dự án đầu tư cả trong và ngoài KCN thì đến năm 2018, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 266 dự án đầu tư với 50 dự án DDI, tổng vốn đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng và 216 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 3,4 tỷ USD, Riêng năm 2018, các doanh nghiệp trong các KCN đóng góp cho ngân sách tỉnh trên 3.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 3,7 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Những con số ấn tượng này là minh chứng cho thấy các dự án đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả trong các KCN. Hàng năm, đóng góp của các doanh nghiệp trong KCN chiếm khoảng 50%-55% giá trị sản xuất kinh doanh toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu chiếm 60-65% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, nộp ngân sách chiếm 30-35% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Công tác quản lý và bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm; công tác quản lý, giám sát, phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động của các dự án, luôn được Vĩnh Phúc quan tâm chú trọng với các hoạt động cụ thể, thiết thực: Thường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp thứ cấp, chủ đầu tư hạ tầng KCN; giám sát chặt chẽ, việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, giải quyết các vướng mắc về xả thải, xử lý nước thải của các doanh nghiệp KCN. Thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư, lao động, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động trong các KCN; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong các KCN và các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chính sách và chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh cũng rất rõ ràng, tỉnh sẵn sàng từ chối các dự án không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp và các dự án có nguy cơ rủi ro cao, mặc dù triển vọng nguồn thu ngân sách từ các dự án không phải là nhỏ. Mới đây, UBND Tỉnh đã có văn bản lần thứ 4 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận Dự án dệt - nhuộm có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD của Tập đoàn TAL, Hồng Kông, Trung Quốc đặt tại KCN Bá Thiện, do lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ dự án, mặc dù trước đó Tỉnh đã chấp thuận cho Tập đoàn TAL đầu tư dự án may mặc tại KCN này, với sản lượng hàng triệu quần, áo xuất khẩu mỗi năm và tạo việc làm hơn 2.200 lao động.
Có thể nói, trong những năm qua, Đời sống công nhân lao động trong các không ngừng được nâng cao cả về vật chất, văn hóa tinh thần. Vĩnh Phúc đã quy hoạch đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, tạo cơ hội cho người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định; phát động các phong trào thi đua yêu nước, góp sức cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân lao động. Trong những năm qua, đã có hơn 4.000 giải pháp, sáng kiến cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của CNLĐ được đưa vào áp dụng trong quản lý, lao động sản xuất với giá trị làm lợi trên 50 tỷ đồng
Sau hơn 20 năm xây dựng, phát triển, hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc đã được quy hoạch xây dựng đồng bộ, tạo động lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tạo ra sự gắn kết chặt chẽ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp, góp phần quan trọng đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như cả nước với nhiều chỉ tiêu KTXH xếp ở tốp đầu cả nước như: quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách nhà nước, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAPI.
Nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, một trong những định hướng phát triển công nghiệp được Vĩnh Phúc đề ra là ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh một cách bền vững. Năm 2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 39 ngày 13/10/2017 quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển theo Nghị quyết số 57 ngày 12/12/2016 tỉnh giai đoạn 2017-2025.
Thời gian tới, tỉnh xác định phát triển công nghiệp đi vào chiều sâu, phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của Vĩnh Phúc sẽ trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu. Giai đoạn 2017- 2020, đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ đạt khoảng 67.400 tỷ đồng, chiếm 38,9% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; thu hút đầu tư 30- 35 dự án đầu tư lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Để Vĩnh Phúc luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường vai trò của chính quyền trong việc tạo tối đa môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư FDI vào phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục coi trọng công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN đã thành lập, tập trung đầu tư xây dựng KCN ở những địa bàn có đủ điều kiện và lợi thế phát triển. Từ đó, nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, các tiện ích công cộng phục vụ cho sự phát triển công nghiệp. Quan tâm kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân, xây dựng các thiết chế nhà văn hóa, trường học, trạm y tế để người lao động an tâm làm việc ổn định, lâu dài. Đồng thời, chủ động nâng cao chất lượng thu hút đầu tư ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành để đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ. Tạo nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực một cách bền vững; chọn lọc thu hút các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư, đặc biệt tại các thị trường nhiều tiềm năng.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư sau cấp phép, trong đó chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các dịch vụ tư vấn về pháp lý. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành liên quan, trong công tác giám sát, kiểm tra về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường tại các KCN. Vĩnh Phúc sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cùng các nhà đầu tư, tập trung sức lực và trí tuệ, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đưa tỉnh Vĩnh Phúc là điểm sáng điển hình, xây dựng nhanh và bền vững cho phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 vì sự phát triển lớn mạnh của hệ thống các KCN trong tỉnh, trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng kinh tế thế giới.
Với sự đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối các khu công nghiệp, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương. Cùng với các cơ chế hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện cho Vĩnh Phúc thành điểm đến của các nhà đầu tư./.
Đặng Thưởng