Trở về sau những năm tháng khốc liệt của các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, các cựu chiến binh huyện Lập Thạch hôm nay vẫn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Hội CCB huyện Lập Thạch đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.
Noi gương Bác ở Hội Cựu chiến binh huyện Lập Thạch có rất nhiều cách làm hay, việc làm thiết thực của cán bộ, hội viên cựu chiến binh. Tổ canh trực phòng, chống đuối nước của Hội Cựu chiến binh xã Xuân Hòa - một trong những mô hình, việc làm thiết thực của Hội CCB huyện Lập Thạch. Các chi hội CCB đã thành lập tổ canh trực phòng, chống đuối nước. Tại những khu vực ao, hồ, đập, kênh, mương có độ sâu nguy hiểm trên địa bàn huyện, các tổ canh trực đã tiến hành cắm biển cảnh báo. Các thành viên trong tổ luân phiên canh trực tại các điểm, vị trí dễ xảy ra tai nạn đuối nước vào thời gian nghỉ hè của học sinh và trong mùa mưa bão; tuyên truyền, nhắc nhở trẻ em đề phòng tai nạn đuối nước; hướng dẫn trẻ em tập bơi và sẵn sàng cứu nạn khi có người bị đuối nước.
Rời quân ngũ trở về quê hương, CCB Nguyễn Văn Đức, thôn Rừng Chũng, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch đã vượt qua khó khăn, kiên trì, sáng tạo tập trung phát triển kinh tế; không những làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho người lao động ở địa phương.
Năm 1988, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đức lên đường nhập ngũ, đóng quân tại tỉnh Hà Giang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sau những năm tháng được rèn luyện trong quân đội, năm 1995, ông xuất ngũ trở về địa phương. Những năm đầu, dù chăm chỉ lao động, xoay sở nhiều nghề nhưng thu nhập của gia đình ông vẫn không đủ để trang trải cuộc sống. Với ý chí, bản lĩnh của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, CCB Nguyễn Văn Đức trăn trở suy nghĩ quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng. Vợ chồng ông quyết tâm vay mượn mua đất làm nhà có mặt tiền hướng ra đường quốc lộ, giao thông thuận tiện, ông mạnh dạn tiếp tục vay vốn mở cơ sở buôn bán vật liệu xây dựng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, kiên trì, bước đầu cơ sở đã có lợi nhuận. Ông Đức quyết định mở rộng ngành nghề sản xuất, mua sắm thêm xe vận tải, phục vụ nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng của nhân dân trong và ngoài khu vực. Đến nay, các sản phẩm kinh doanh của gia đình ông Đức đã có chỗ đứng trên thị trường mang lại doanh thu lớn, đồng thời tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với mức lương trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, CCB Nguyễn Văn Đức còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn phát triển kinh tế, giúp đỡ đồng chí đồng đội, bà con có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội”.
Để việc học tập và làm theo Bác mang lại hiệu quả thiết thực, Hội CCB huyện Lập Thạch đã xây dựng kế hoạch, đưa việc học tập và làm theo Bác vào các chương trình hành động cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên thông qua các lớp chuyên đề về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kết quả, 100% cán bộ, hội viên CCB trong huyện đã nhận thức được sâu sắc và có những chuyển biến tích cực trong việc giữ gìn đạo đức, lối sống và gương mẫu trong công tác, nỗ lực phấn đấu học tập theo Bác. Đồng thời vận động các thành viên trong gia đình thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như địa phương, luôn nêu cao vai trò gương mẫu, trách nhiệm trong công tác xây dựng tổ chức Hội, đổi mới hoạt động của Hội theo hướng chất lượng, hiệu quả.
Tại nhiều địa phương, Hội CCB còn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong số đó có ông Khổng Văn Đương, xã Xuân Hòa đã tích cực vận động gia đình, con cháu góp ngày công lao động, góp tiền xây dựng nhà văn hóa, hiến hàng chục m2 đất để làm đường giao thông nông thôn.
Điểm nổi bật trong thực hiện Chỉ thị 05 ở Hội CCB huyện Lập Thạch đó là phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo. Hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể trong tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, đưa giống cây, con có hiệu quả, năng suất cao vào sản xuất; cho hội viên đi tham quan các mô hình, đoàn thể làm kinh tế giỏi trong và ngoài huyện để học tập, rút kinh nghiệm. Hội còn đứng ra tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hộ hội viên được vay vốn với tổng dư nợ 55 tỷ đồng. Có vốn, các hội viên CCB huyện Lập Thạch đã tìm hiểu khoa học kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, cho thu nhập cao. Qua đó góp phần tăng tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 50%.
Tự hào với những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội CCB huyện Lập Thạch xác định tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều việc làm thiết thực, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
Thúy Hơn