Cập nhật: 12/12/2019 15:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kinh tế xã hội phát triển đã và đang làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Tuy nhiên hiện nay còn nhiều người trong độ tuổi lao động khu vực nông thôn còn thiếu việc làm hoặc việc làm chưa ổn định. Từ thực tế này, nhiều chính sách hỗ trợ cùng sự phát triển từ các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp đã mở ra hướng đi giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân ngay chính tại địa phương với mức thu nhập ổn định.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc, Sở Công Thương đã rà soát, lựa chọn các địa phương để mở các lớp đào tạo, truyền nghề. Từ năm 2015 đến nay, đã có gần 30 lớp đào tạo, truyền nghề với hơn 1.100 học viên tham gia với các nghề chủ yếu như: Dệt may, đan lát, sản xuất đồ gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ. Với hình thức vừa học vừa làm theo nhu cầu của doanh nghiệp các lớp đào tạo đã giúp người dân có trình độ, tay nghề tạo cơ hội có được một công việc phù hợp, thuận tiện với điều kiện sinh sống ở địa phương. Tại huyện Sông Lô, Hội Phụ nữ huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, vay vốn ủy thác, tạo các tổ tiết kiệm cho chị em phụ nữ vay vốn sản xuất, kinh doanh đa dịch vụ. Hiện nay, toàn huyện đã phối hợp với ngân hàng chính sách tạo điều kiện vốn ủy thác trên 80 tỷ đồng cho hơn 2.600 hội viên vay với nhiều mô hình đem đến hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Mong muốn giảm bớt khó khăn đời sống người dân nhiều xưởng may, công ty tư nhân đã được hình thành tại xã Quang Yên, trung bình từ 40 đếm 60 lao động có mức thu nhập cơ bản 5 triệu đồng/người/tháng và các chế độ đãi ngộ khác đã thu hút đông đảo người lao động đến học nghề, làm việc.

Mỗi người lao động ở độ tuổi khác nhau đều được tham gia quá trình học nghề, đào tạo nghề theo từng công việc và được tuyển dụng sau thời gian học tập. Thay vì tìm việc tại các doanh nghiệp xa nhà thì người lao động làm việc tại địa phương có thêm nhiều thời gian chăm lo cho gia đình mà vẫn đảm bảo công việc và mức thu nhập ổn định. Đây cũng là cơ hội giúp các cơ sở công nghiệp ngày càng thu hút sự tham gia của người dân và giải quyết được vấn đề công việc tại cho lực lượng lao động có thời gian nông nhàn.

Ngoài việc học nghề, truyền nghề đối với những sản phẩm công nghiệp thì nông nghiệp theo hướng công nghệ cao cũng được lựa chọn phát triển. Áp dụng, khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất, xây dựng mô hình nhà kính, khu sản xuất được quy hoạch bài bản đã thành công từ nhiều cây trồng, rau màu cung cấp cho thị trường và tạo ra công ăn việc làm cho chính những người lao động tại địa phương.

Việc đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp nhất là với đội ngũ thành thạo theo đúng ngành nghề sẽ đem đến hiệu quả, năng suất công việc cao. Qua việc phối hợp giữa doanh nghiệp và các ban, ngành, chính quyền địa phương đáp ứng được yêu cầu của công việc và nhu cầu thực tế giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định góp phần nâng cao thu nhập cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Tiến Trang

Tệp đính kèm