Trong khi giá thịt lợn tăng cao, nguồn cung khan hiếm, ngành chăn nuôi lợn của tỉnh Hưng Yên làm cách nào để tái đàn và kiểm soát dịch tả lợn.
Tình trạng giá tăng cao, nguồn cung thịt lợn hơi khan hiếm nhất là trong thời điểm cận kề Tết dương lịch, Tết Nguyên đán vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức trong việc tái đàn và kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi đối với ngành chăn nuôi lợn của tỉnh Hưng Yên hiện nay.
Giá tăng cao, nguồn cung thịt lợn hơi khan hiếm, nhất là trong thời điểm cận kề Tết dương lịch, Tết Nguyên đán.
Thận trọng và dè dặt không vội vàng tái đàn là tâm lý chung của những hộ chăn nuôi trên địa bàn của tỉnh Hưng Yên. Thực tế đã có không ít hộ chăn nuôi vì vội vàng tái đàn đã chịu tổn thất lớn do mầm bệnh từ các ổ dịch cũ, từ hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ lợn.
Ông Nguyễn Văn Thế, hộ chăn nuôi thôn Lạc Dục, xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ chia sẻ: "Trong thôn những hộ nhỏ lẻ nuôi vài chục con bây giờ không dám tái đàn, vào ồ ạt mạnh. Sản xuất ra con giống bao nhiêu thì bây giờ chúng tôi nuôi bấy nhiêu thôi chứ chưa dám tái đàn mạnh. Lo ngại nhất là dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc xin chưa, nên người dân vẫn còn hoang mang".
Thực tế thời gian gần đây cho thấy, không chỉ khan hiếm mà giá lợn giống đang ở mức rất cao, khoảng 2,2 triệu đồng/con. Việc nhập lợn giống giá cao về nuôi thương phẩm vào thời điểm này khiến hộ chăn nuôi có nguy cơ "thiệt hại kép" nếu chẳng may dịch bệnh quay trở lại hoặc mua phải lợn giống không an toàn.
Theo ông Vũ Minh Chiến, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi nông nghiệp xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ, mặc dù đủ điều kiện tái đàn nhưng chuồng trại của một số thành viên hợp tác xã nằm ở khu vực có nguy cơ cao, liền kề với khu dân cư, có nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xung quanh nên chưa thực sự an toàn.
"Con giống bây giờ tự chủ, làm ra lợn nái để sinh sản con giống chứ không nhập từ các trại khác về rất rủi ro. Vì trong quá trình đi bắt con giống ở trại khác không bị nhưng vận chuyển về rất dễ phát sinh mầm bệnh", ông Chiến nói.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho thấy, hiện trên địa bàn, đàn lợn có khoảng 450.000 con, giảm khoảng 30% tổng đàn so với cuối năm ngoái.
Mặc dù việc tái đàn lợn là cần thiết để người chăn nuôi tái sản xuất, đồng thời ổn định thị trường thực phẩm, song ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi chỉ tái đàn lợn khi bảo đảm được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng trong việc tái đàn lợn hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng chăn nuôi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, để kiểm soát và ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi tái phát trở lại, quan điểm của tỉnh là tái đàn tại chỗ đối với các trang trại có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học và chăn nuôi VietGap, hạn chế tái đàn ở nông hộ không đủ điều kiện về an toàn dịch, xen kẹt giữa các khu dân cư bởi mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường.
"Không những dịch tả lợn Châu Phi mà kể cả tai xanh và dịch lở mồm long móng, vì thế các hộ không nên phát triển chăn nuôi bằng mọi giá. Nên thận trọng, khi nào đảm bảo được các điều kiện mà ngành chuyên môn đã khuyến cáo thì phát triển còn nếu không đảm bảo thì cũng không nên tái đàn, tránh rủi ro. Các nhà chuyên môn đã khuyến cáo nhưng các hộ vẫn cố tình sẽ không được hỗ trợ thì sẽ thiệt hại khôn lường", ông Tưởng khuyến cáo.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên cho biết, để tái đàn an toàn tránh để dịch tả lợn Châu Phi tái phát và lây lan, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của địa phương đã lên kế hoạch, chủ dộng tái đàn có trọng điểm, chăn nuôi an toàn với hệ thống chuồng trại khép kín, nguồn thức ăn đảm bảo, chăn nuôi theo xu hướng an toàn dịch bệnh.
"Trong văn bản chúng tôi đã chỉ rõ là riêng với những trang trại, những hộ chăn nuôi xen kẹp trong dân mà cố tình tái đàn không báo cáo chính quyền địa phương, không có sự hướng dẫn của cán bộ thú y cơ sở mà tự ý tái đàn khi xảy ra dịch thì phải tự hủy và sẽ không nhận được hỗ trợ từ ngân sách và việc này làm tốt công tác tuyên truyền vận động hướng dẫn nên hiện nay là không có trường hợp tái đàn tự phát vì thế hơn 1 tháng nay không có ổ dịch nào tái phát trở lại", ông Tuấn cho hay.
Điều kiện nào để tái đàn? Khu vực nào được tái đàn? Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành địa phương trong quản lý tái đàn an toàn đã được hướng dẫn trong các văn bản mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành.
Tái đàn hay chờ đợi thời điểm phù hợp để tái đàn, là lựa chọn của người chăn nuôi trong thời điểm này. Bởi nếu vội vàng, lợi bất cập hại, thiệt hại kép là điều có thể xảy ra./.
Theo Minh Long/VOV.VN