Cập nhật: 24/12/2019 08:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2019, với những đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, năm 2019, Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong công tác lãnh đạo, điều hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn kiên định các mục tiêu đề ra; chỉ đạo xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý; đánh giá toàn diện chỉ số năng lực cạnh tranh, xây dựng kế hoạch để nâng cao các chỉ số thành phần đạt thấp. Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành tăng cường bám sát các địa phương, cơ sở; kiểm tra thực tế, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp để có những chỉ đạo kịp thời. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm được tập trung triển khai.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,05% trong đó công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong tăng trưởng của tỉnh với mức tăng 13,11%. Các lĩnh vực dịch vụ tăng 6,8%. Trong năm, mặc dù chịu ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, song với những giải pháp phòng chống dịch đồng bộ, khoa học của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng đã làm hạn chế tối đa những thiệt hại do bệnh dịch gây ra. Quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh đạt hơn 118,4 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2018, đưa thu nhập bình quân đầu người lên 102,5 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp còn 7,37% và tăng khu vực công nghiệp - xây dựng lên 62,41%. Khu vực dịch vụ giảm còn 30,22%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hết năm 2019, toàn bộ 112 xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 4 trong số 9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Công tác thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện và được các nhà đầu tư đánh giá cao. Năm qua, tỉnh đã tiếp đón và làm việc với nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn đầu tư nước ngoài; tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Séc và Hoa Kỳ để giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Nhờ đó, năm 2019, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước tăng cao so với năm 2018, trong đó vốn FDI đạt 670 triệu USD, tăng 34% so với kế hoạch và tăng 27% so với năm 2018; vốn DDI đạt trên 13,5 nghìn tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với kế hoạch và tăng 54% so với năm 2018. Số doanh nghiệp dân doanh được thành lập mới trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.160 doanh nghiệp với số vốn đăng ký gần 7.800 tỷ đồng, tăng 9,4% về số doanh nghiệp và tăng 14,8% về số vốn đăng ký so với năm 2018.

Các chương trình tín dụng, ngân hàng đã đáp ứng tốt nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng sản xuất kinh doanh. Cơ cấu tín dụng tăng trưởng hợp lý, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên. Năm 2019, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt trên 78,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2018; tổng dư nợ cho vay đạt khoảng 78 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2018.

Nhờ những nỗ lực nêu trên, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, là động lực cho tăng trưởng chung của tỉnh. Giá trị sản xuất năm 2019 (giá so sánh 2010) đạt trên 244 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2018. Trong các ngành công nghiệp thì ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt, trong đó ngành sản xuất linh kiện điện tử dẫn đầu với mức tăng kỷ lục 40,6% so năm 2018. Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Các làng nghề và cụm công nghiệp làng nghề tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển. Năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 24.400 lao động, tăng 6,2% so với kế hoạch, trong đó đưa 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Trong năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự nỗ lực của toàn ngành thuế trong việc thực hiện hiệu quả công tác đánh giá, phân tích, dự báo những yếu tố ảnh hưởng tới nguồn thu; rà soát các khoản thu, các nguồn thu tiềm năng; tăng cường các biện pháp quản lý, khai thác, chống thất thu để bù đắp các khoản hụt thu do tác động của những nguyên nhân khách quan đã mang lại những tín hiệu tích cực. Kết quả thu ngân sách đã đạt và vượt dự toán thu cả năm từ sớm, tổng thu ngân sách năm 2019 của tỉnh đạt trên 32.400 tỷ đồng, tăng khoảng 17% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 18% dự toán. Thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài  đạt khoảng 21.500 tỷ đồng.

Song song với việc đẩy nhanh tiến độ thi công những dự án trọng điểm, các địa phương đã tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án quy mô lớn như: dự án Khu Công nghiệp Tam Dương 2 - khu A; dự án nâng cấp QL2B đoạn từ Km9 đến khu du lịch Tam Đảo I; đường vành đai 3 đoạn Yên Lạc - Bình Dương; dự án cụm công nghiệp Đồng Sóc; dự án khu công nghiệp Chấn Hưng; dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong năm, tổng số lượt khách tham quan du lịch ước đạt trên 6 triệu lượt khách, tăng 17% so với năm 2018. Trong đó: khách quốc tế đạt trên 43 nghìn lượt khách. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch được tổ chức phong phú, đa dạng; chế độ an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân được cải thiện. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh đang từng bước được cải thiện ở cả 3 tuyến. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục có bước tiến mới, công tác quản lý giáo dục được đổi mới theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà trường; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên.

Công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị của tỉnh tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Trong đó: Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định sửa đổi cơ cấu tổ chức của 11 sở, ngành theo đó đã giảm được 12 phòng chuyên môn và 2 chi cục thuộc sở; sắp xếp tổ chức lại một số đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ngành; về giảm chỉ tiêu biên chế đến nay tỉnh đã giảm được 1.349 chỉ tiêu, tinh giản 278 biên chế theo Nghị định số 108/2014 của Chính Phủ và Nghị định số 113/2018 của Chính phủ; nghỉ thôi việc theo Nghị quyết số 31/2017 và Nghị quyết số 37/2018 của HĐND tỉnh là 1.063 trường hợp.

Quốc phòng an ninh tiếp tục được giữ vững, lực lượng Công an đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, qua đó tỷ lệ các vụ phạm tội về trật tự xã hội, các vụ trọng án được nhanh chóng được điều tra, làm rõ. Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo, không có tình trạng ùn tắc giao thông.

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, Vĩnh Phúc đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đồng thời, có những chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cụ thể cho những giai đoạn tiếp theo.

Những kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực trong bức tranh kinh tế xã hội năm 2019 là tiền đề quan trọng để tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra./.

Phương Liên

Tệp đính kèm