Cập nhật: 24/12/2019 16:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là nơi các cô giáo bạc mầm non không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách thụ động mà còn tạo ra các điều kiện, các cơ hội để mọi đứa trẻ được chủ động, sáng tạo, tích cực hoạt động, tự chiếm lĩnh kiến thức và kinh nghiệm. Để đạt được điều này, các giáo viên cần nắm được hứng thú, nhu cầu, trình độ, khả năng của từng trẻ trong lớp, trên cơ sở đó lựa chọn được nội dung, phương pháp phù hợp với từng nhóm, từng cá nhân trẻ. 

Tại trường mầm non Triệu Đề, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch năm học này có hơn 400 trẻ thuộc 14 nhóm lớp. Bên cạnh việc chăm sóc,  các cô giáo ở đây còn thường xuyên  hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ, từng bước hình thành thói quen hay phản xạ tự nhiên trước những tác động trong cuộc sống thường ngày gặp phải. Các lớp học được bố trí, sắp xếp theo từng khu riêng, rất thuận tiện cho trẻ vui chơi, khám phá xung quanh. Trong mỗi buổi học việc hướng dẫn cho trẻ tự tư duy, nhận biết vật dụng và tự làm những công việc cá nhân đơn giản đều có sự quan sát của giáo viên để kịp thời điều chỉnh, chỉ dẫn.

Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm được các nhà trường đảm bảo: Hứng thú, nhu cầu, kỹ năng, thế mạnh của mỗi trẻ đều được hiểu, đánh giá đúng và được tôn trọng. Ngoài học hát, tìm hiểu mọi vật đơn giản xung quanh thì trẻ mầm non được các nhà trường lựa chọn thêm nhiều nội dung, phương pháp học tập mới chú trọng đến hướng dẫn những kỹ năng cơ bản. Môi trường giáo dục trong trường mầm non gồm môi trường bên trong và môi trường bên ngoài lớp học. Cả hai môi trường này đều rất quan trọng đến việc dạy và học của cô và trẻ. Do đó để lớp học thêm lôi cuốn trẻ, các cô giáo đã tạo nên những màu sắc sinh động và ngộ nghĩnh, cách sắp xếp phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thực hàng ngày và đảm bảo an toàn cho trẻ

Để xây dựng thành công chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã  ban hành thông tư số 12/2019 bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non; Qua đó nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đối với giáo viên mầm non; nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, nâng cao mức độ với yêu cầu phát triển giáo dục và yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.

Có thể nói chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là thực sự cần thiết và rất quan trọng. Nó được ví như người giáo viên thứ hai trong công tác tổ chức, hướng dẫn cho trẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ, thông qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện. Một môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo; để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào học lớp 1./. 

Tiến Trang

Tệp đính kèm