Các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2020 cam kết bán thịt lợn với giá thấp hơn giá thị trường 5%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cam kết không tăng giá thịt lợn trong dịp Tết (Vissan, Nam Hà Nội, Co.op.) bán thịt lợn không lợi nhuận (Big C)… và thực hiện giảm giá tương ứng nếu giá thị trường giảm.
Không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Ảnh minh hoạ.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chỉ đạo sát sao của Chính phủ, triển khai quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, giá thịt lợn đã có xu hướng giảm từ cuối tháng 12/2019 và hiện đang giữ ổn định.
Dự kiến sau đợt điều chỉnh giảm, giá sản phẩm thịt lợn có thể tăng vào những ngày cận Tết so với hiện nay nhưng mức tăng không lớn do các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi sẽ đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán đồng thời cũng do nhu cầu tiêu dùng giảm khi giá thịt lợn lên cao.
Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết bán các sản phẩm trong chương trình bình ổn, trong đó có mặt hàng thịt lợn, với giá thấp hơn giá thị trường 5%. Một số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã cam kết không tăng giá thịt lợn trong dịp Tết, thực hiện bán đúng giá theo giá đã đăng ký (Vissan, Nam Hà Nội, Co.op.) bán thịt lợn không lợi nhuận (Big C)… và thực hiện giảm giá tương ứng nếu giá thị trường giảm.
Ngoài ra, vào những ngày cận Tết, các doanh nghiệp cũng có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu với các mặt hàng thiết yếu trong đó có các sản phẩm thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm…
“Nguồn cung hàng hóa đã và đang được các địa phương chuẩn bị chu đáo cùng với kế hoạch triển khai nhiều chương trình phục vụ Tết, các chương trình xúc tiến thương mại dịp cuối năm của các doanh nghiệp, hàng hóa phục vụ Tết sẽ đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người dân Việt Nam, thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường. Người dân ở mọi miền tổ quốc sẽ có đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm để đón Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, an toàn, tiết kiệm”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định.
Không thiếu hàng, không tăng giá
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đối với mặt hàng thịt lợn, nhu cầu của TP. Hà Nội trong tháng Tết khoảng 22.300 tấn và nguồn cung trên địa bàn Thành phố đáp ứng khoảng 60%, tương đương gần 14.000 tấn, còn thiếu từ 8.000-9.000 tấn.
Trong tháng Tết này, TP. Hà Nội cùng với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm bắt nguồn cung của các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng giáp với Hà Nội để cung ứng mặt hàng này cho thị trường Hà Nội. Các tỉnh cũng đã cam kết hỗ trợ cho Hà Nội 43.000 tấn trong dịp Tết này.
“Như vậy, khẳng định nguồn cung thịt lợn đến thời điểm này là không thiếu hàng và người dân sẽ được mua sắm các sản phẩm an toàn”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Tương tự, tại TPHCM, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết (không bao gồm mặt hàng thịt heo); đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Bên cạnh đó, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng trong tháng cận Tết, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Các hệ thống siêu thị tham gia bình ổn thị trường sẽ thêm thời gian phục vụ khách hàng trong các ngày từ 20 đến sáng 30 tháng Chạp. Khai trương năm mới vào sáng mùng 2 và tới mùng 5 Tết mở cửa từ 8h sáng đến 12h trưa. Mùng 6 Tết hoạt động kinh doanh bình thường trở lại.
Tại Đà Nẵng, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đang tích cực vận động các doanh nghiệp liên quan phối hợp triển khai thực hiện Phương án tổ chức bán hàng thịt heo bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (dự kiến tổ chức 16 điểm bán thịt heo bình ổn, trong 3 ngày giáp Tết, với giá cam kết thấp hơn thị trường (dự kiến từ ngày 22/01 - 24/01/2020, ngày 28-30 tháng Chạp âm lịch), từ 6h30 – 8h30 mỗi ngày, với giá bán được niêm yết công khai hằng ngày tại các điểm bán hàng và cam kết bán bằng giá xuất tại lò mổ, thấp hơn thị trường từ 5.000-7.000 đồng/kg; chi phí khoán hỗ trợ tổ chức bán hàng dự kiến 15.000.000 đồng/điểm bán, bao gồm các chi phí phục vụ bán hàng như nhân công, bao bì, dụng cụ…
Theo Phan Trang/chinhphu.vn