Cập nhật: 26/01/2020 17:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng mùng Một Tết, nhiều người dân ở thành phố Huế đã đến những ngôi chùa thân quen với gia đình. Đến cửa thiền, người Huế không cầu lộc, cầu tài, mà họ đi tìm sự tĩnh tại, an nhiên trong ngày đầu năm mới. Đây là một trong những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của dân ở vùng đất vốn được xem là trung tâm Phật giáo của cả nước.

Tổ đình Từ Đàm, TP Huế sáng mồng một Tết Canh Tý 2020.

Từ sáng sớm, trong những bộ trang phục đúng mực, các gia đình ở Huế đã đưa nhau đến chùa. Trước cửa thiền, họ gác lại những lo lắng thường nhật để dâng hương, vãn cảnh và chúc phúc các nhà sư. Sân chùa ngày mùng Một Tết có thêm những người bán cau, trầu và muối. Bên cạnh những giá trị chân-thiện-mỹ và thuyết nhân quả của Phật giáo, người Huế vẫn tin rằng, trong ngày đầu năm mới nếu được chạm tay vào muối, cau trầu thì sẽ giúp cho đời sống gia đình thêm thắt chặt, nồng ấm.

Sáng nay chị Phan Thị Ngọc Hạnh cùng gia đình đến chùa Từ Đàm, TP Huế từ sớm. Như mọi năm, sau khi làm lễ ở chùa, trong ngày đầu năm mới, chị cùng gia đình đi thăm họ hàng nội ngoại. Chị giải thích, “mình đến chùa để cầu may mắn, sức khỏe cho mọi người trước. Sau đó mang lời chúc này về đến từng nhà. Mình tin nó sẽ hiệu nghiệm hơn”.

Nhiều người bán muối, cau trầu trong sân chùa với ý niệm mang đến cho mọi người sự đầm ấm, hạnh phúc.

Phật giáo đã đi sâu vào đời sống sinh hoạt các gia đình ở Huế, triết lý đạo Phật dường như đã thấm sâu, thành nếp sống, nếp nghĩ, trở thành những chuẩn mực về đạo đức, luân lý, nên người Huế gần như đã sống theo phương châm của Phật giáo.

Đa số người Huế đều chọn một ngôi chùa để thường xuyên lui tới, tu tập. Những thành viên trong gia đình không gọi trụ trì các chùa là “sư”, mà gọi là “ông”. Thế nên, ngày Tết, bên cạnh nghĩa vụ thiêng liêng đối với gia tộc, ở trung tâm đô thị Huế, người ta đi chùa vào sáng mùng Một Tết như vừa để nuôi dưỡng tinh thần, vừa thăm hỏi “sư ông”, “sư bà”- những người đã được xem là người thân trong gia đình và cầu mong những điều tốt đẹp cho tất cả mọi người.

Ông Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng, Phân viện văn hóa-nghệ thuật quốc gia tại Thừa Thiên Huế cho rằng, “yếu tố sáng mùng Một Tết người Huế đi chùa cũng là yếu tố gắn liền với truyền thống của gia đình. Họ thường đi tới một ngôi chùa thân thuộc với sinh hoạt của gia đình. Khi đến chùa có tâm thế như về với gia đình, đầy tình thân và ý nghĩa thiêng liêng. Điều đặc biệt của người Huế khi đến chùa là hoàn toàn không có chuyện cầu xin tài lộc, hay là hưởng lộc, hái lộc như phong tục các nơi. Người ta tới đó bằng một niềm chúc phúc đầu năm. Người ta lễ Phật xong, liền kính mừng các vị cao tăng bằng một cái phong bì chúc phúc, chúc thọ. Đối với các chú tiểu, chú điệu nhỏ, họ cũng có tục lì xì mừng tuổi, như phong tục trong các gia đình người Huế”.

 

Người Huế đến chùa không chỉ để lễ Phật, mà còn gặp, thăm các cao tăng - những người được xem như người nhà của người dân ở Trung tâm Phật giáo của cả nước.

Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó Trưởng ban Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Dân Huế có truyền thống đi chùa rất đẹp, có từ lâu lắm, nhất là sau thời An nam Phật học hội, các phật tử đã cùng nhau đi chùa vào ngày đầu năm mới. Từ đó đến nay họ đã duy trì và lan tỏa trong các gia đình tăng ni, phật tử thành một truyền thống rất quý. Đến chùa họ lễ Phật, và cầu mong sự an lành không chỉ cho gia đình mà còn cầu mong cho tất cả mọi người và cả đất nước”.

Điều đặc biệt là, ở Huế, người đến chùa trong ngày đầu năm mới không chỉ có tín đồ Phật giáo, phật tử, mà còn có đông đảo các thành phần khác trong xã hội. Với dòng chảy của thuyết lý đạo Phật đã thấm sâu, nên trong từng con người Huế phần lớn đã có cốt cách của người con nhà Phật. Điều này thể hiện qua ăn nói, đi lại, ứng xử giữa người và người, góp phần tạo nên tính cách Huế của con người Huế ở thời hiện tại.

Xã hội Huế đang có những thay đổi, có những cái đã được biến chuyển để thích nghi với cuộc sống mới. Nhưng nét đẹp đi chùa trong ngày đầu năm mới vẫn được người Huế giữ gìn. Và hôm nay, trong ngày đầu năm mới họ vẫn đến chùa để cầu mong sức khỏe, hạnh phúc và cầu mong cho những điều to lớn hơn. Đó là cầu mong cho mọi người, cho đất nước được thái bình, cầu cho muôn dân được hạnh phúc.

 

Theo DƯƠNG QUANG TIẾN

nhandan.com.vn

Tệp đính kèm