Chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố (TDP) là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng ở địa phương. Để thực hiện chủ trương đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai tích cực với lộ trình thích hợp, tạo được sự đồng thuận, thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc sáp nhập thôn, TDP.
Việc sáp nhập thôn, TDP đã được các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc quyết liệt, tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đúng quy định pháp luật và thực hiện trên tinh thần dân chủ, công khai minh bạch. Theo ghi nhận của phóng viên thời sự tại một số địa phương, đại đa số ý kiến đều cho rằng, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của công tác sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố chính là sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Theo quy định hiện nay, khi thành lập thôn mới hoặc sáp nhập thôn thì phải lấy ý kiến toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn. Chỉ khi nào đa số người dân thống nhất thì mới được thực hiện. Do vậy, công tác tuyên truyền phải được đi trước một bước. Cấp ủy đảng, chính quyền phải phổ biến đến từng người dân về sự cần thiết, những lợi ích khi sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố; giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân về những vấn đề liên quan nhằm tạo sự đồng thuận của người dân với chủ trương này.
Trước khi sáp nhập, thành phố Phúc Yên có 118 thôn, tổ dân phố. Sau khi sáp nhập thành phố còn 88 thôn, tổ dân phố, giảm 30 thôn, tổ dân phố. Cùng với việc sáp nhập, nhiều thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã thực hiện việc nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm trưởng thôn, bí thư kiêm tổ trưởng tổ dân phố, giúp cho việc lãnh đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được kịp thời, hiệu lực và hiệu quả hơn. Thành phố Phúc Yên xác định, việc sắp xếp, sáp nhập để giảm số lượng thôn, tổ dân phố nhưng phải đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã. Các thôn, tổ dân phố sáp nhập phải có vị trí liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt phức tạp, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế, xã hội và ổn định đời sống của nhân dân.
Tại huyện Yên Lạc, quá trình thực hiện sáp nhập, thành lập thôn, TDP luôn được các địa phương khảo sát, lựa chọn, bàn bạc kỹ lưỡng, tiến hành thận trọng, nghiêm túc từng khâu và công khai, minh bạch, khách quan; đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và sự điều hành của chính quyền các cấp. Những thôn, TDP được sáp nhập đều có vị trí liền kề, dân cư tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo việc phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được các địa phương quan tâm chính là sắp xếp lại đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập. Đây là những người có uy tín, nhiệt tình, có trách nhiệm với cộng đồng dân cư và được người dân bầu chọn.
Với cách làm linh hoạt, minh bạch, đúng quy định, nhiều vướng mắc dần được tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện. Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp 274 thôn, tổ dân phố để thành lập 131 thôn, tổ dân phố mới. Điều đáng ghi nhận là việc sáp nhập thôn, TDP được người dân trong tỉnh đồng tình, ủng hộ.
Thu Thủy