Cập nhật: 21/03/2020 10:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cô giáo Hà Ánh Phượng, người dân tộc Mường, đã lọt vào danh sách "50 giáo viên toàn cầu" từ hơn 10.000 ứng cử viên do tổ chức giáo dục Varkey Foundation bình chọn.

Mơ ước giúp các em vùng dân tộc thiểu số ở miền núi vươn tới tri thức lớn và mở rộng hiểu biết về thế giới, cô giáo Hà Ánh Phượng, người dân tộc Mường, giáo viên Trường Trung học phổ thông Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, đã có sáng kiến xây dựng mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế để học sinh kết nối thế giới.

Với những sáng kiến này, ngày 19/3, cô giáo Hà Ánh Phượng đã lọt vào danh sách "50 giáo viên toàn cầu" từ hơn 10.000 ứng cử viên do tổ chức giáo dục Varkey Foundation bình chọn.

Đây là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh các thầy, cô đã có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục. Niềm vui, niềm tự hào này không chỉ của cá nhân cô giáo Hà Ánh Phượng, của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Thọ mà còn là niềm vui, niềm tự hào của ngành giáo dục cả nước.

Sinh ra từ vùng quê nghèo tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, cô giáo Hà Ánh Phượng thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với việc học ngoại ngữ.

Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Phượng luôn có ước mơ sau này lớn lên được làm cô giáo dạy tiếng Anh. Từ khi còn là học sinh Trung học cơ sở, được tiếp cận với môn học tiếng Anh, Phượng đã đam mê môn học này và quyết tâm thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình.

Sau khi học hết Trung học phổ thông, dù có nhiều cơ hội được đi du học, nhưng Phượng vẫn quyết định theo học tại Trường Đại học Hà Nội.

Tốt nghiệp thạc sỹ ngành sư phạm tiếng Anh với tấm bằng loại ưu, Phượng được một công ty nước ngoài mời về làm với mức lương hấp dẫn nhưng cô đã từ chối và quyết định trở về quê hương giảng dạy.

Cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ: Tại Trường Trung học phổ thông Hương Cần cũng như nhiều ngôi trường khác ở miền núi vùng cao, học sinh ít có cơ hội luyện tập tiếng Anh với người nước ngoài.

Điều này dẫn đến kỹ năng thực hành ngôn ngữ của các em không nhiều, thường rụt rè, ít hiểu biết về văn hóa đa quốc gia cũng không hứng thú học ngoại ngữ. Chính vì vậy, trong các tiết học cô cố gắng dùng các thiết bị để học sinh được giao tiếp trực tiếp với học sinh nước ngoài và luôn tìm kiếm cơ hội để học sinh tiếp cận với môi trường tiếng Anh.

Những tiết học không biên giới của cô kết nối học trò với các trường nước ngoài qua Skype được học sinh vô cùng yêu thích.

Ngoài những tiết học trên lớp, cô luôn khuyến khích các em học sinh viết thư tay cho những người bạn nước ngoài, mua các tờ báo tiếng Anh về dịch hay cuối tuần xem bản tin tiếng Anh trên tivi để cải thiện đáng kể trình độ ngoại ngữ cho học sinh.

Thầy giáo Phan Trọng Đức, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hương Cần, cho biết, cô giáo Hà Ánh Phượng là giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết, yêu nghề và tràn đầy ý tưởng.

Trong giảng dạy cô luôn có những sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục như mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế để học sinh dân tộc thiểu số kết nối với quốc tế.

Những diễn đàn kết nối là nơi cô giáo Phượng tích cực lan tỏa và chia sẻ sáng kiến tới nhiều đồng nghiệp trên khắp mọi miền.

Việc cô giáo Phượng được ghi danh vào nhóm "50 giáo viên toàn cầu" không chỉ có ý nghĩa cho bản thân cô mà còn khẳng định được vị trí của ngành giáo dục và khả năng của giáo viên Việt Nam trên trường quốc tế.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô giáo Hà Ánh Phượng còn đạt nhiều thành tích tiêu biểu như được trao học bổng Hoa Trạng Nguyên dành cho thủ khoa tốt nghiệp Trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2009; là một trong các sinh viên châu Á năm 2011 đạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ (IIE) trao tặng; được công nhận chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft (MIE Expert).

Khi đã trở thành giáo viên, cô Hà Ánh Phượng là một giáo viên cốt cán môn tiếng Anh giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Phú Thọ; đạt học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ SEAYLP dành cho giáo viên năm 2020.

Hà Ánh Phượng là giáo viên người dân tộc thiểu số có những sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục như mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế để học sinh dân tộc kết nối với quốc tế.

Các sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy của cô giáo Phượng cũng được báo cáo tại các hội thảo quốc tế Viettesol.

Ngoài những giờ giảng dạy, cô Phượng còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện như dạy học miễn phí cho học sinh, làm thư viện hạnh phúc miễn phí cho học sinh; hướng dẫn học sinh làm dự án quốc tế - "Say no to plastic straw" đạt top 150 sản phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Microsoft tổ chức.

Trong tương lai, cô giáo trẻ Hà Ánh Phượng mong muốn sẽ phát triển một kênh Youtube chuyên dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh và chia sẻ các hoạt động phát triển chuyên môn, đồng thời tích cực cho ra đời nhiều dự án liên quan đến dạy học vì mục tiêu phát triển bền vững./.

Theo Lâm Đào An (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/co-giao-muong-lot-vao-danh-sach-50-giao-vien-toan-cau/629579.vnp

Tệp đính kèm