Học trực tuyến đang trang bị kỹ năng làm việc online, làm việc trên mạng internet cho chính sinh viên và hỗ trợ quá trình tự học suốt đời.
Trước đây, nhiều trường cao đẳng, đại học ở TPHCM đã áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến nhưng để ngỏ sựa lựa chọn cho sinh viên. Còn từ đầu mùa dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, dạy và học trực tuyến đã trở thành hình thức học bắt buộc tại một số trường.
Từ đó, giảng viên và sinh viên đều từng bước hoàn thiện kỹ năng sử dụng công nghệ, tự học, điều chỉ bài giảng-bài học cho phù hợp, thảo luận trực tuyến, làm việc nhóm online. Điều này không chỉ duy trì việc dạy và học mà còn góp phần trang bị thêm kỹ năng mềm cần có của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là một trong những trường tổ chức dạy học trực tuyến nhiều năm nay. Nhà trường tổ chức theo 3 cấp độ: giảng viên đưa bài giảng và bài tập trên trang web của trường; giảng viên thiết kế tiết dạy bằng video clip và đưa lên trang dạy học số của trường; giảng viên và sinh viên ở nhà và dùng phần mềm của trường hoặc các phần mềm miễn phí trên internet như zoom, google meetting để thực hiện tiết học có sự trao đổi qua lại. Nhưng tất cả các cấp độ dạy ấy đều không bắt buộc sinh viên phải học, tức là sinh viên có thể chọn học trực tuyến hoặc học trên giảng đường.
Phạm Quốc Khánh, sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong một giờ học trực tuyến.
Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đưa dạy học trực tuyến thành phương thức bắt buộc, đại trà, 100% giảng viên và sinh viên tham gia, có điểm danh, có đánh giá. Mỗi ngày, trung bình có hơn 235.000 lượt tương tác qua hệ thống mạng quản lý học tập của trường.
Theo Phạm Quốc Khánh, sinh viên năm 3 khoa Cơ khí- Chế tạo máy của trường này thì học trực tuyến như hiện nay khiến sinh viên giảm được thời gian gián đoạn quá trình học vì dịch bệnh, đến khi trở lại trường chỉ tham gia ôn tập và thi hết môn. Nhất là với sinh viên năm 3 đã bắt đầu làm đồ án như Khánh, việc này lại càng cần thiết để hoàn tất phần lý thuyết, có đủ thời gian cho đồ án, thực tập tại doanh nghiệp và tìm kiếm việc làm. Quan trọng hơn, qua hai tháng học trực tuyến bắt buộc, Khánh rèn cho mình kỹ năng làm việc qua mạng, sử dụng các phần mềm, thiết bị trực tuyến thành thạo.
“Thay vì trước đây em chỉ học trên lớp hoặc trang dạy học số của trường thì không biết các công cụ khác. Giờ biết thêm được nhiều công cụ sau này sẽ hỗ trợ em rất nhiều về việc biết và tham gia vào các cuộc họp online như thế nào. Ngoài ra tụi em còn dùng phần mềm đó để thảo luận nhóm online nên ngoài biết tham gia thì tụi em sẽ biết tạo ra các cuộc họp như vậy” - sinh viên Phạm Quốc Khánh chia sẻ.
PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, tất cả giảng viên cơ hữu của trường đang dạy phần lý thuyết của các môn học trên hệ thống Learning Management System. Phòng dạy học số, phòng truyền thông của trường bố trí người hỗ trợ giảng viên thực hiện bài giảng theo yêu cầu.
Ông Dũng thừa nhận tỷ lệ nội dung dạy trực tuyến chỉ chiếm vài chục phần trăm nội dung cả môn học, còn phần thực hành, thí nghiệm, làm dự án thì làm việc tập trung và thi tập trung mới đánh giá đúng năng lực sinh viên. Nhưng hiện giờ đây là giải pháp tốt nhất để sinh viên không bị gián đoạn việc học, không bỏ mất quá nhiều thời gian. Và cái được lớn hơn là kỹ năng làm việc trực tuyến, tự học suốt đời của sinh viên được rèn luyện, trau dồi ngay từ bây giờ.
Giáo viên Hệ 9 + Cao đẳng của trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM ôn tập qua mạng cho học sinh.
“Việc học online tạo ra một kỹ năng quan trọng cho các em sau khi ra trường, đòi hỏi ở người lao động trong thế kỷ 21, đó là việc tự học và tự học cả đời, chỉ học trên mạng. Cho nên dịch bệnh này mà chúng ta biến nguy cơ thành cơ hội để các em có thói quen tốt thích ứng với kỷ nguyên số” - PGS. TS. Đỗ Văn Dũng nói.
Trước đây, kỹ năng mềm sử dụng các thiết bị và phần mềm phục vụ học trực tuyến, tiếp cận các bài giảng online được nhiều trường khuyến khích sinh viên làm quen và sử dụng. Thời điểm này, trong điều kiện dịch bệnh buộc phải hạn chế di chuyển, tập trung đông người, kỹ năng đó trở thành một điều kiện bắt buộc nếu sinh viên muốn tiếp tục theo học, không bị bỏ lại ở phía sau.
Tại trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định đang hỗ trợ hết sức cho giáo viên và hơn 2.000 học sinh, sinh viên trong việc học trực tuyến để giảm đến mức thấp nhất sự gián đoạn học tập, đề cao yếu tố tự học.
“Trong giai đoạn này, nhà trường áp dụng học trực tuyến cho những môn thuần lý thuyết hoặc những phần lý thuyết có thể học trước. Để khi hết dịch thì tập trung thực hành thôi. Học trực tuyến có mặt tích cực là các em phải chủ động làm việc. Qua hơn hai tháng học trực tuyến thì nhà trường nhận ra các em có yếu tố tự học rất cao, đó là kỹ năng rất tốt” - ông Nguyễn Đăng Lý cho hay.
Tương tự như vậy, ở trường Đại học Văn Hiến, toàn bộ phần lý thuyết và một số môn có thể dạy học trực tuyến đã được được giảng viên thiết kế thành các mô đun phù hợp. Với từng mô đun, sinh viên có quyền góp ý và giảng viên sẽ điều chỉnh để bài giảng dễ hiểu nhất có thể. Tỷ lệ sinh viên tham gia học trực tuyến hiện thường xuyên đạt trên 70%.
Giảng viên Đại học Văn Hiến trong một tiết giải đáp thắc mắc trực tuyến.
TS. Lê Sĩ Hải, Giám đốc điều hành thường trực Đại học Văn Hiến cho rằng, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, dạy học online là cần thiết cho cả nhà trường và sinh viên. Nhà trường đã giảm 20% học phí của học kỳ này, gửi tận nhà sinh viên khó khăn 100 máy tính xách tay, máy tính bảng và nhiều sim 3G, 4G để hỗ trợ việc học. Sinh viên nên xem đây là cơ hội để tiếp cận phương thức kết nối trực tuyến rất cần thiết cho làm việc và tự đào tạo sau khi ra trường.
Đặc biệt với sinh viên năm cuối, học trực tuyến càng trở nên quan trọng để có thể hoàn tất việc học, nắm bắt ngay những cơ hội việc làm khi dịch bệnh kết thúc và nền kinh tế phục hồi.
“Chưa học tập trung được thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ tốt nghiệp của các bạn trong tháng 6 tháng 7. Học online thì có thể các bạn sẽ tốt nghiệp đúng thời hạn, ra truờng tiếp cận việc làm. Nhà trường cũng phân tích khi hết dịch bệnh thì các doanh nghiệp sẽ khôi phục sản xuất kinh doanh, cần nhiều nhân lực mới để sản xuất kinh doanh do thời gian gián đoạn bởi dịch bệnh” - TS. Lê Sĩ Hải nói.
Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các trường đại học, cao đẳng yêu cầu căn cứ vào đặc điểm, của chương trình đào tạo có thể sử dụng các phương thức đào tạo từ xa (trực tuyến) đối với một số học phần phù hợp trong thời gian học sinh, sinh viên không học tập trung do dịch Covid-19. Trong đó, bảo đảm chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra của từng học phần và chương trình đào tạo.
Thực tế, việc dạy trực tuyến chỉ là một phần, sau khi hết dịch bệnh, sinh viên sẽ phải học tập trung và trường sẽ có kế hoạch dạy tăng cường, ôn lại những gì đã học và tổ chức thi, đánh giá kết quả rồi mới công nhận kết quả học tập. Nhìn ở góc độ tích cực, học trực tuyến đang trang bị kỹ năng làm việc online, làm việc trên mạng internet cho chính sinh viên và hỗ trợ quá trình tự học suốt đời, phù hợp với sự phát triển của kỹ thuật và yêu cầu của cuộc sống./.
Theo Minh Hạnh/VOV-TPHCM