Nhiều trường ĐH lo ngại nếu không thi THPT quốc gia, mỗi trường một phương án thi riêng sẽ gây xáo trộn tâm lý học sinh, tỷ lệ ảo cao khó tuyển sinh.
Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa thể chốt có tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 hay không do diễn biến khó lường của dịch Covid-19.
Trước tình hình này, các trường ĐH trên cả nước đã bắt đầu xây dựng phương án dự phòng riêng. TS Vũ Ngọc Hoa, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Nội Vụ Hà Nội cho biết, trường vẫn tiếp tục theo dõi chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Song, trường cũng đã chuẩn bị sẵn các kịch bản để đảm bảo công tác tuyển sinh năm 2020 được diễn ra ổn định.
Nếu kỳ thi THPT quốc gia vẫn diễn ra như bình thường, ĐH Nội vụ Hà Nội sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, kết quả học tập THPT (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) cộng với phương thức xét tuyển thẳng.
Trong trường hợp kỳ thi THPT quốc gia 2020 không được tổ chức, trường dự kiến xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT của lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12. Phương thức 2 là xét tuyển thẳng với những thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, thí sinh đạt được 3 năm học sinh Giỏi và đã tốt nghiệp THPT đối với trụ sở Hà Nội và Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh; có ít nhất 1 năm đạt học sinh Giỏi trở lên và 2 năm đạt học sinh Khá, đã tốt nghiệp THPT đối với Phân hiệu Quảng Nam.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng cho biết, đến thời điểm này, mọi phương án đều là dự kiến, các trường vẫn tiếp tục phải theo dõi thông tin từ Bộ GD-ĐT.
Trong trường hợp, Bộ vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, công tác tuyển sinh của trường sẽ giữ ổn định như những năm trước, xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi này. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể tổ chức thi, trường sẽ tuyển sinh dựa vào kỳ thi riêng và xét học bạ.
Thày Dũng cho biết: “Nếu thi THPT quốc gia, kết quả sẽ công bằng hơn cho các em học sinh. Với phương thức xét tuyển dựa vào học bạ, sẽ có tình trạng các trường THPT không có cùng chuẩn mực đánh giá, có nơi cho điểm chặt chẽ, có trường lại cho điểm cao để các em dễ xét tuyển đại học. Nếu vậy có thể các em học sinh giỏi, ở các trường chuyên, trường chất lượng, học lực tốt hơn nhưng chưa chắc điểm đã cao hơn học sinh các trường khác vì việc kiểm tra đánh giá khó hơn. Nếu có kỳ thi THPT quốc gia, tất cả các em sẽ có chung cách đánh giá, việc phân loại, xét tuyển cũng thuận lợi hơn”.
Thầy Dũng cho rằng, nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các trường phải tuyển sinh theo phương thức thi riêng sẽ khá cập rập trong công tác chuẩn bị, đặc biệt, thí sinh sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Tôi cho rằng nếu mỗi trường đều tổ chức thi riêng, sẽ quay về mô hình thi tập trung theo các cụm thi, học sinh sẽ rất vất vả và tốn kém. Thay vì thi tại địa phương như hiện nay thì các em lại phải khăn gói quả mướp như trước kia khi còn thi 3 chung để đến các điểm thi của từng trường hoặc nhóm trường. Điều này có thể kéo theo sự tốn kém về chi phí và xáo trộn tâm lý ở mỗi học sinh khi phải theo dõi và chạy theo phương án riêng của từng trường”- thày Dũng cho biết.
Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng đề xuất rằng, nếu thời gian không đủ, kỳ thi THPT quốc gia nên giảm tải số môn thi, chỉ thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, thay vì thi cả tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội như hiện nay.
“Năm nay chương trình học bị rút ngắn lại, đề thi cũng sẽ dễ hơn, như vậy việc đánh giá năng lực các em cũng sẽ không chính xác như các năm trước. Nhưng các trường đại học có thể chấp nhận. Hiện nay nhiều nước trên thế giới cho ghi danh đầu vào đại học, không hề tuyển gắt gao, sau đó thắt chặt đầu ra. Thực tế trong quá trình đào tạo, các trường hoàn toàn có thể sàng lọc được thí sinh”, thầy Dũng nói.
TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, đề án tuyển sinh năm nay có một số điểm mới nhưng cơ bản vẫn ổn định như mọi năm: dành 50% chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nếu như Bộ GD-ĐT tổ chức thi, 50% chỉ tiêu còn lại dành cho xét tuyển học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập với những tiêu chí ưu tiên rõ ràng.
Trường hợp Bộ không tổ chức thi THPT quốc gia, Học viện Tài chính cũng xây dựng kịch bản dự kiến tiếp tục xét tuyển học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập và phối hợp với một số trường cùng nhóm để cùng tổ chức một kỳ thi riêng giống như thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Học viện Tài chính vẫn ủng hộ việc nên tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020, bởi phần lớn các trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT để làm cơ sở xét tuyển.
"Điều này giúp vừa lọc ảo tốt, vừa đảm bảo tự chủ của các trường đại học trong tuyển sinh, ổn định xã hội. Ngược lại, nếu không tổ chức thi THPT sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tuyển sinh của các trường. Mỗi trường sẽ tổ chức thi riêng, thí sinh đăng ký nguyện vọng ở nhiều trường sẽ phải tham gia thi nhiều nơi. Hơn nữa không có hệ thống lọc ảo, thí sinh sẽ có nhiều giấy trúng tuyển làm cho các trường không xác định được số ảo dẫn đến thừa thiếu học sinh. Mặt khác khâu tổ chức thi, ra đề thi, kiểm tra... mỗi trường một khác không có chuẩn chung sẽ thiếu tính minh bạch, công bằng. Do vậy kỳ thi năm nay có thể tinh giản dễ hơn so với những năm trước thì vẫn nên tổ chức, các trường có thể dùng kết quả này để xét tuyển hoặc không. Nhưng như vậy sẽ đỡ vất vả hơn cho thí sinh, nhà trường và giảm chi phí xã hội", TS Nguyễn Đào Tùng nêu ý kiến.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương cho hay, trường vừa công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2020. Theo đó, nếu kỳ thi THPT quốc gia vẫn được tổ chức, công tác tuyển sinh về cơ bản được giữ ổn định so với năm 2019.
Song nếu không tổ chức thi THPT quốc gia, trường sẽ phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng giống như thi THPT quốc gia.
PGS.TS Vũ Thị Hiền cho biết, trường hợp không thể tổ chức thi THPT quốc gia, các trường có sẵn các kịch bản linh hoạt trong tuyển sinh, mức độ ảnh hưởng sẽ ít hơn các trường xưa nay tuyển chủ yếu dựa vào kết quả của kỳ thi này.
PGS.TS Vũ Thị Hiền cũng cho rằng, hiện nay dù việc học trực tuyến đã được triển khai rộng rãi nhằm đảm bảo tinh thần ngừng đến trường nhưng không ngừng học, song việc triển khai thực tế ở mỗi địa phương lại không giống nhau. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, việc học online sẽ có nhiều thuận lợi hơn, trong khi đó, các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng núi điều kiện học tập của học sinh còn hết sức khó khăn.
“Tôi cho rằng Bộ nên có đánh giá tổng thể để nhìn nhận mức độ khó khăn ở từng vùng miền, từng đối tượng học sinh khác nhau. Có nên chăng ở vùng sâu vùng xa, khi việc học trực tuyến của các em chưa đảm bảo, nên có phương án thi khác”- PGS.TS Vũ Thị Hiền đề xuất./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN