Vì dịch Covid-19 khiến cả thế giới chao đảo, ngành giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề khi kỳ thi THPT quốc gia đang tới gần. Vậy thi hay không thi? Thi bằng cách nào? Có nên quay lại kỳ thi “3 chung”?
Vì dịch Covid-19, về vấn đề: Nếu không thi THPT quốc gia, thí sinh lo lắng như thế nào? Các trường đại học sẽ xoay sở ra sao? ...đã được Dân trí phản ánh qua nhiều bài viết.
Việc thi hay không thi THPT quốc gia còn phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ, Quốc hội nên cần có sự chờ đợi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, mọi giải pháp hiện nay chỉ là tình thế, do đó nên giao kỳ thi THPT quốc gia về cho địa phương hoặc quay lại tổ chức thi “3 chung”?
Thí sinh dự thi THPT quốc gia hiện nay đang khá lo lắng về thi THPT quốc gia sắp tới (Ảnh minh họa)
Ủng hộ phương án thi “3 chung rút gọn”
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết, nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia (xét tốt nghiệp THPT) hoặc vẫn tổ chức nhưng tinh giản môn thi, tinh giản kiến thức thì đều là giải pháp tình thế hiện nay trong tình dịch Covid-19.
GS Sơn cho rằng, giải pháp tối ưu nhất cho kịch bản không có kỳ thi THPT quốc gia là Bộ GD&ĐT có thể nghiên cứu, tổ chức kỳ thi "3 chung rút gọn", rút gọn số môn thi, rút gọn số đợt thi để các trường tuyển sinh.
Cụ thể, không tổ chức các môn thi theo các khối A, B, C, D… và không tổ chức 2 đợt như trước kia, mà chỉ tổ chức 1 đợt với 5 hoặc 6 môn thi. Các trường đại học sẽ căn cứ vào đó để xác định các tổ hợp môn thi xét tuyển phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo của trường mình.
Kỳ thi này có thể tổ chức muộn được do diễn biến phức tạp khó lường của đại dịch Covid - 19.
“Kết quả thi này sẽ khách quan hơn rất nhiều so với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (vì do các trường đại học độc lập tổ chức coi thi và chấm thi, không có sự tham gia của địa phương)” – GS Sơn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho hay, thời điểm hiện nay, quay lại tổ chức kỳ thi "3 chung rút gọn" như đề xuất trên là khá hợp lý vì có thể bảo toàn được hệ thống đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH.
Trên thực tế những năm qua cho thấy, nếu không có kỳ thi THPTQG và các trường ĐH tự tổ chức kỳ thi, khi thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào thì chỉ có cách đăng ký dự thi vào trường đó (trừ trường hợp các trường liên kết với nhau thành một hệ thống sử dụng chung kết quả một kỳ thi do một trường đại diện tổ chức).
Hiện nay, hệ thống đăng ký xét tuyển chung như vậy chưa có hệ thống thi nào ngoài kỳ thi THPTQG đạt được quy mô lớn và mức độ hoàn thiện về quy chế hoạt động.
Theo TS Nghĩa, ngay khi còn thi tuyển sinh ĐH theo phương thức “ba chung” trước năm 2015 đã có những trường ĐH không tổ chức thi, phần lớn là các trường dân lập, tư thục. Thí sinh muốn xét tuyển vào các trường này sẽ đăng ký “thi nhờ” ở một trường ĐH có tổ chức thi và sau khi có kết quả sẽ chuyển về cho trường ĐH không tổ chức thi xét tuyển.
Một số trường ĐH ở TP Hồ Chí Minh từng rất “thành công” trong việc không tổ chức thi. Gọi là thành công vì trường dù không tổ chức thi (không tốn kém về tài chính và công sức) nhưng vẫn tuyển được thí sinh, thậm chí là thí sinh giỏi.
Niềm phấn khởi của thí sinh khi làm được bài (ảnh minh họa)
99% đỗ thì thi tốt nghiệp làm gì?
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Đinh Văn Sơn cho rằng, nếu bỏ thi kỳ thi THPT quốc gia thì hằng năm chúng ta sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí xã hội với số tiền hàng trăm, ngàn tỷ đồng như hiện nay (chi phí của chính phủ, của các trường đại học, của các địa phương, của phụ huynh học sinh...). Kết quả cuối cùng sẽ vẫn là tốt nghiệp 98%, 99% thậm chí 100% như thi tốt nghiệp hiện nay.
Trong khi đó, ngay hiện tại, việc có sử dụng kết quả thi kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển hay không là quyền của các trường.
Theo GS Sơn, nếu bỏ thi THPT quốc gia, phương án tuyển sinh của các trường sẽ rất đa dạng theo các hướng: Một số trường sẽ tổ chức thi tuyển (như trước kia); Một số tường tổ chức xét tuyển; Một số trường sẽ tổ chức xét tuyển kết hợp với thi tuyển một số môn học theo yêu cầu đào tạo của các ngành và chuyên ngành; Một số trường tổ chức tuyển sinh độc lập. Trong khi đó một số trường sẽ liên kết với nhau để giảm thiểu chi phí tuyển sinh.
“Nên tổ chức thi theo phương án “BA CHUNG” bởi các ưu điểm: Có thước đo chung để đánh giá chất lượng đầu vào của các trường đại học, cao đẳng. Việc xác định điểm SÀN tuyển sinh theo từng khối thi để xác định chuẩn tối thiểu đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngay từ khâu tuyển sinh.
Đây là một việc rất cần thiết, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí xã hội trong công tác tuyển sinh. Góp phần ngăn chặn những tiêu cực trong công tác tuyển sinh khi được trao quyền tự chủ” – GS Sơn nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Giao thi kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD&ĐT tổ chức và lấy đề thi từ Bộ GD&ĐT vì hiện nay đỗ tốt nghiệp đều trên 90%.
Còn thi để lấy nhân tài đào tạo chất lượng cao thì nên để các trường đại học tổ chức. Mục tiêu của các cuộc thi là khác nhau, thi đại học là chọn học sinh giỏi xuất sắc còn thi tốt nghiệp là đạt ngưỡng nào đó để tốt nghiệp như 1 đợt kiểm tra cuối kỳ nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, với thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn thì nên tổ chức thi ngắn gọn như Bộ GD&ĐT đề xuất, học gì thi nấy.
GS.TS Phạm Tất Dong đề xuất: Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, tổ chức kỳ thi này tại địa phương, tốt nhất là học sinh thi tại nhà trường mà các em đang học.
Bằng Trung học phổ thông chỉ là một hộ chiếu để con người vào đời
Trao đổi với PV Dân trí, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, dịch bệnh Covid-19 kéo dài như hiện nay không biết khi nào mới được khống chế hoàn toàn.
Bộ GD&ĐT không nhất thiết phải cố gắng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay mà nên đề xuất đưa việc xét tốt nghiệp về địa phương, đồng thời để các trường ĐH tự chủ tuyển sinh. Bộ chỉ có nhiệm vụ đưa ra những chỉ dẫn kiến thức cơ bản và tối thiểu để các trường tự tổ chức kiểm tra, đánh giá.
GS Dong từng chia sẻ, ngày nay, tấm bằng Trung học phổ thông chỉ là một hộ chiếu để con người vào đời, tức là đi tìm cho mình con đường đào tạo nghề để trở thành người lao động trong một lĩnh vực hoạt động xác định thuộc nền kinh tế quốc dân.
Nói một cách cụ thể hơn, tấm bằng Trung học phổ thông chỉ là một chứng chỉ xác nhận người học đã hoàn thành vòng giáo dục ban đầu để có được trình độ học vấn mà mỗi công dân bình thường trong xã hội ngày nay đều phải với tới.
Do tính chất phổ cập của giáo dục trung học, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cần được đổi mới cách nghĩ về tính chất của kỳ thi này. Nên tư duy lại một cách nghiêm túc và trên cơ sở cân nhắc cách hiểu.
GS Dong đề xuất: “Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, tổ chức kỳ thi này tại địa phương, tốt nhất là học sinh thi tại nhà trường mà các em đang học. Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chu đáo việc tổ chức thi ở mỗi trường, sao cho kỳ thi diễn ra như một sự kiện bình thường, coi như một cuộc kiểm tra trình độ học vấn phổ thông mà các em đạt được sau 12 năm đèn sách.
Đồng thời, tách thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ra khỏi việc tuyển sinh đại học, tránh thi tốt nghiệp Trung học thành cuộc cạnh tranh vào đại học. Làm được điều này sẽ bớt đi những tiêu cực trong thi cử, nhất là người lớn can thiệp vào việc chấm thi, tạo ra sự thiếu minh bạch và mất công bằng trong giáo dục".
Theo GS Dong, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là để cho những học sinh đạt được trình độ trung bình trở lên trong thành tích học tập chứ không phải để sàng lọc tài năng vào đại học. Việc trường đại học tuyển sinh cần có cách làm riêng của mỗi trường. Họ căn cứ vào mục tiêu đào tạo mà đề ra tiêu chuẩn lựa chọn đầu vào.
Còn việc trường đại học muốn chọn theo kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì cũng là một cách tuyển, không có gì phải bàn, miễn là, trường đại học thấy việc làm của họ đúng với quyền tự chủ mà họ được trao.
Theo Hồng Hạnh/dantri.com.vn