Ngày 27/4, 35 tỉnh trên cả nước cho học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, để học sinh ngồi đúng khoảng cách an toàn như yêu cầu là việc cực kỳ khó.
Đến nay đã có 61/63 tỉnh, thành phố thông báo về lịch trở lại trường của học sinh (HS). Để đảm bảo an toàn khi HS đi học trở lại, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã đưa ra nhiều tiêu chí, trong đó có việc thực hiện giãn cách, yêu cầu HS phải ngồi cách nhau 1,5m, mỗi phòng học không được quá 20 học sinh. Đến ngày 24/4, Thủ tướng ban hành chỉ thị 19, khuyến cáo người dân giữ khoảng cách tối thiểu 1m. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều lãnh đạo nhà trường thì rất khó đảm bảo được quy định này. Đặc biệt với Hà Nội, TP.HCM khi nhiều trường học luôn ở tình trạng quá tải về sĩ số lớp. Nhiều tỉnh chỉ cho một số khối lớp đi học lại trong thời gian đầu để có thể thực hiện giãn cách giữa HS.
Ngày 27/4, Sở GD-ĐT TP HCM có văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 và công tác đảm bảo an toàn, chuẩn bị cho HS đi học lại. Theo đó, trường có số lượng học sinh đông, cần thực hiện các giải pháp lệch ca, lệch giờ, giảm số lớp học trong một buổi. Có thể tách lớp để thực hiện giảm, giãn số HS trong phòng học; bố trí vị trí ngồi học tất cả học sinh hướng về phía bảng, bục giảng, không quay mặt vào nhau, tạm thời không tổ chức học và thảo luận theo nhóm. Ở phạm vi ngoài phòng học, phòng làm việc: cổng trường, khu tập luyện thể dục thể thao, bãi xe, căng tin, sân trường, hành lang… phải bố trí lực lượng giáo viên, nhân viên trực ở các khu vực để quản lý, nhắc nhở HS, đảm bảo giãn cách tối thiểu 1m, không tập trung đông người... Đặc biệt, trong ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, Sở GD-ĐT TP HCM yêu cầu thủ trưởng đơn vị không tổ chức các hoạt động học tập, chỉ tổ chức kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn hướng dẫn cho học sinh các biện pháp tự phòng ngừa và triển khai giờ học, kế hoạch học tập, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của nhà trường để học sinh an tâm đi học và đảm bảo an toàn khi đi học.
Cũng trong ngày 27/4, tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở GD-ĐT sớm trình thành phố kế hoạch về thời điểm học sinh các cấp của thành phố đi học trở lại để Ban chỉ đạo cho ý kiến, quyết định. “Tinh thần đến ngày 4/5 sẽ mở cửa trở lại với tất cả các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trung học phổ thông, trung học cơ sở”, ông Chung nói.
Đối với hai cấp tiểu học, mầm non, ông Chung cho biết, thành phố Hà Nội sẽ họp, cho ý kiến và quyết định vào ngày 29/4. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Chử Xuân Dũng, đơn vị đang phối hợp Sở Y tế xây dựng văn bản hướng dẫn cho học sinh trở lại trường, yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát, bổ sung trang thiết bị y tế cần thiết để phòng chống dịch. Hiện Hà Nội cùng với TP. HCM, Hà Giang, Bến Tre chưa quyết định lịch đi học trở lại của học sinh.
Tại Phú Yên, hôm 27/4 là ngày đầu tiên học sinh lớp 9 và 12 của tỉnh trở lại trường. Về vấn đề giữ khoảng cách giữa các HS, đại diện Sở GD-ĐT Phú Yên cho biết, trong tuần đầu chỉ có 2 khối lớp, các trường vẫn có thể chia nhỏ lớp học nhưng từ tuần sau khi học sinh trở lại đồng loạt thì sẽ khó đảm bảo. Do đó, sở đã đề nghị các trường chú trọng, tìm cách xử lý phù hợp với điều kiện thực tế.
Cần sớm có hướng dẫn phù hợp với thực tế
Nhà giáo Lê Tiến Hưng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An đã có ý kiến: “Tôi thấy thực tế ở trường học khó thực hiện lắm, dù biết là rất cần thiết! Lãnh đạo Bộ nên xem xét cụ thể, không đưa ra “bài toán không có lời giải đúng” cho cơ sở giáo dục trong cả nước. Hiệu trưởng các nhà trường biết làm sao? Cơ sở vật chất đâu? Bố trí giờ dạy thế nào? Kinh phí đâu mà trả cho giáo viên khi “dạy giãn lớp”?. Còn ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An thì cho rằng, việc thực hiện giãn cách mỗi lớp có sĩ số 20 HS và khoảng cách giữa các HS là 1,5m là điều bất khả thi ở địa phương này. Theo ông Thành, cơ sở vật chất nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An không đủ số lớp, số phòng để chia HS theo quy định trên.
Thầy Nguyễn Đậu Trương, Hiệu trưởng trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An, cho biết: “Việc thực hiện giãn cách lớp học cực kỳ khó dù trường này có thể đáp ứng về cơ sở vật chất. “Toàn bộ học sinh ở nội trú trong trường nên chúng tôi có thể dạy học được cả sáng, chiều và tối. Tuy nhiên, nếu dạy như thế thì tiền đâu ra để trả cho giáo viên. Ví dụ, 1 tuần giáo viên dạy Toán chỉ có 14 tiết, nay chia ra thì thành 28 tiết, buộc phải trả thêm tiền cho giáo viên chứ", thầy Trương cho hay.
Sở GD-ĐT Thái Bình bắt đầu cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 trở lại trường và chia thành 2 ca. Song khoảng cách học sinh cũng chỉ tương đối chứ không thể đảm bảo 1,5m như khuyến cáo. Một số trường THCS hiện nay mới cho học sinh khối 9 đi học nên phòng học cũng như giáo viên trống tiết dạy rất nhiều, do đó đang áp dụng chia 1 lớp trước đây ra thành 2 - 3 lớp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, học sinh tất cả các khối lớp đi học lại thì điều này không thể thực hiện được nữa.
Thực tế, một số địa phương chủ trương thực hiện giãn cách theo điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên của từng trường. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần sớm có hướng dẫn phù hợp để làm sao vừa đảm bảo an toàn cho HS, vừa phù hợp với tình hình thực tế./.
Theo Hoàng Dũng/VOV.VN