Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng mặc dù đã được chuẩn bị hết sức chu đáo song Bộ cũng lường trước một số rủi ro có thể xảy ra đối với kỳ thi THPT 2020.
Thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia 2019. (Ảnh: THUỶ NGUYÊN)
Sáng 5-6, Bộ GD-ĐT chính thức công bố thời gian, Quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, Bộ đã có sự chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi, trong đó, có việc dự báo các rủi ro có thể xảy ra. Có thể thấy, những vấn đề được Bộ GD-ĐT đề cập hầu hết có liên quan đến yếu tố con người.
Theo đó, ông Mai Văn Trinh cho rằng một trong số các điểm cần lưu ý là về công tác in sao, vận chuyển đề thi. Giải pháp hạn chế rủi ro được đưa ra là phải coi trọng việc lựa chọn cán bộ tham gia các công tác này.
Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, theo ông Mai Văn Trinh, hằng năm, cá biệt có một số địa phương chuẩn bị một số điều kiện tổ chức thi không đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và tiến độ; dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ thi. Khâu chuẩn bị này liên quan đến cả cơ sở vật chất, thiết bị và con người. Trách nhiệm trực tiếp là của giám đốc sở GD-ĐT. Năm nay, cần phải thực hiện đúng tiến độ theo lịch trình của kỳ thi
Đối với công tác tập huấn, giám đốc sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn có chất lượng; Có tài liệu hỗ trợ (cẩm nang); Trong tập huấn, nên có phần kinh nghiệm “xử lý một số tình huống bất thường” xảy ra trong các kỳ thi để cán bộ, giáo viên biết. Cục trưởng Mai Văn Trinh cho rằng nên khuyến khích có hình thức kiểm tra kết quả tập huấn.
Trong công tác thanh tra cần tập huấn đầy đủ, thanh tra tất cả các khâu, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ các đoàn thanh tra, nhất là các cán bộ đến từ các trường đại học.
Công tác bảo quản, lưu trữ đề thi, bài thi cần thực hiện đúng quy chế. “Phải rất quan tâm công tác chọn cán bộ tham gia khâu bảo quản đề thi, bài thi” – Cục trưởng Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Công tác chấm thi là khâu dễ phát sinh gian lận, tiêu cực, cần thực hiện nghiêm túc Quy chế thi ở tất cả các khâu của công tác chấm thi; chú trọng công tác lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia công tác này.
Về công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT cho rằng cần lưu ý tập huấn kỹ, sử dụng thành thạo các phần mềm cho cán bộ tham gia. Đặc biệt, cần chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin để tránh tắc nghẽn mạng trong quá trình trao đổi thông tin, nhất là khi công bố kết quả thi.
Theo HOA LÊ/nhandan.com.vn