Cập nhật: 08/06/2020 09:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tháng 10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) với lý do “Việt Nam thực hiện chưa tốt quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý" (IUU).

Ngành thủy sản các tỉnh Bắc miền Trung đã thực hiện theo những khuyến nghị của EC, nỗ lực để gỡ “thẻ vàng”, hướng đến hoạt động khai thác hải sản hiện đại, thân thiện môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hành động quyết liệt

Vùng biển Bắc miền Trung được đánh giá có trữ lượng hải sản lớn, đa dạng, di cư từ vùng biển xa vào gần bờ, phân bố ở cả tầng nổi và tầng đáy. Khu vực này cũng có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh.

Nghệ An là một trong những tỉnh đứng trong “top” đầu của cả nước về số lượng tàu cá với 3.484 chiếc, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 1.257 chiếc. Thời gian qua, các địa phương ven biển quyết liệt thực hiện công tác chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả nhất định. Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017, các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành một cách thường xuyên và bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao ý thức chấp hành của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản. Ngư dân đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định; có thông báo cho cảng cá trước một giờ tàu rời/cập cảng. Công tác giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đã được tiến hành theo quy trình, bước đầu đã thực hiện cấp giấy biên nhận bốc dỡ qua cảng. Các tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá thường trực 24/24 giờ tại văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá. Chi cục Thủy sản phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), chính quyền địa phương ven biển tăng cường, thường xuyên giám sát tàu cá ra, vào cửa lạch, cảng cá; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, 100% tàu cá có chiều dài trên 24m của Nghệ An đã được lắp hệ thống giám sát hành trình. Qua đó đã kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nghề cá, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác IUU của tàu cá trong tỉnh.

Bộ CHQS và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An hằng năm cũng trao tặng hàng trăm nghìn lá cờ Tổ quốc và hàng nghìn áo phao các loại tới ngư dân, qua đó lồng ghép tuyên truyền về chống khai thác IUU.

Ông Trần Như Long, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết: “Dựa trên những khuyến nghị của EC, Chi cục Thủy sản Nghệ An chú trọng đến việc nâng cấp trạm bờ giám sát tàu cá; chỉ đạo sát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; tổ chức thực thi pháp luật trên biển quyết liệt, giám sát chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác”.

Từ năm 2019 đến nay, các tỉnh Bắc miền Trung tập trung tuyên truyền về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá của ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đáng ghi nhận nhất là từ đầu năm đến nay không có tàu cá nào của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế vi phạm.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cảng Cửa Lò - Bến Thủy kiểm tra tàu cá của ngư dân tại Cảng cá Cửa Hội (Nghệ An).

Vì những chuyến ra khơi an toàn

Ngư dân Cao Văn Ba (xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) có tàu đánh cá công suất 822CV. Mặc dù trong thời điểm khó khăn bởi dịch Covid-19 nhưng gia đình anh đã gom góp để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá với tổng số tiền 28 triệu đồng. Anh Ba nói: “Thiết bị này ngoài chức năng kết nối với trạm bờ còn có chức năng báo khẩn cấp hoặc hiển thị các thông tin về thời tiết nguy hiểm để ngư dân chúng tôi có thể chuẩn bị ứng phó. Trước đây, mỗi lần ra khơi đánh cá, tôi rất khó khăn trong việc xác định ranh giới vùng biển nên tàu có thể đi qua vùng biển nước khác hoặc vùng cấm khai thác. Nay có thiết bị giám sát nên chúng tôi yên tâm không sợ vi phạm. Trong trường hợp có việc không trực tiếp đi đánh cá, tôi ở nhà cũng rất yên tâm bởi chỉ cần mở điện thoại cũng sẽ biết tàu đi những đâu, đánh cá ở khu vực nào”.

Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 1.043 tàu đánh cá chiều dài hơn 15m và hơn 980 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 90%. Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các sở, ban, ngành địa phương nên công tác chống khai thác IUU có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài… Toàn tỉnh có 1.400 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 90%, cao hơn mức bình quân của cả nước. Công tác quản lý tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch; công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm quy định về chống  IUU và công tác rà soát, lưu trữ hồ sơ thực hiện chống  IUU được thực hiện khá tốt.

Trung tá Võ Văn Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh, nói: “Nhờ lắp đặt thiết bị này, chúng tôi kiểm soát tốt hơn tàu cá hoạt động từ vùng bờ ra tới vùng khơi, như: Hành trình của tàu, nhật ký khai thác, vị trí của tàu, sản lượng khai thác. Nếu kiểm tra thấy tàu của ngư dân đi lạc vào vùng biển nước ngoài, hoặc vùng cấm khai thác, chúng tôi sẽ liên lạc qua thiết bị này để nhắc nhở, kêu gọi ngư dân quay lại”.

Bên cạnh hoạt động kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác cũng được quan tâm thực hiện. Ban quản lý các cảng cá trên địa bàn tỉnh giám sát 2.960 lượt tàu với sản lượng hơn 33.200 tấn thủy, hải sản; xác nhận nguồn gốc thủy sản 416 tấn. Tỉnh Quảng Bình đã rà soát, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố chỉ định hai cảng cá (gồm cảng cá Nhật Lệ và cảng cá Sông Gianh) đủ tiêu chuẩn xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thành lập văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá để thực hiện kiểm tra tàu cập cảng, rời bến.

Có thể thấy, hoạt động khai thác hải sản đã có những giải pháp nâng cấp về hoạt động nghề cá. Những kết quả là đáng ghi nhận trong khi xuất phát điểm của thủy sản miền Trung thấp, nguồn lực eo hẹp lại trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Song phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác chống khai thác IUU ở khu vực miền Trung còn có những khó khăn cần khắc phục ngay để góp phần cùng với cả nước gỡ "thẻ vàng” của EC và phát triển hoạt động khai thác thủy sản.

EU có quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU): Yêu cầu tất cả các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào châu Âu phải có chứng nhận khai thác, có thông tin về các loài, vị trí khai thác, tàu cá, ngày khai thác và bất kỳ hoạt động trung chuyển nào. Trong trường hợp sản phẩm bị nghi ngờ là khai thác IUU, các quốc gia thành viên EU có thể từ chối nhập khẩu, thể hiện ở hai mức độ, với hai hình thức “thẻ vàng” và “thẻ đỏ”. Nếu EU xác định một nước xuất khẩu thủy sản sang EU không có các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm việc khai thác là hợp pháp, được khai báo và theo quy định thì quốc gia đó sẽ bị cảnh cáo chính thức (“thẻ vàng”) để cải thiện. Quốc gia nhận cảnh báo "thẻ vàng" sẽ được EU cho phép có một khoảng thời gian để thực thi các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết tình trạng khai thác IUU. Kết thúc thời gian cho phép, nếu đáp ứng được các điều kiện do phía EU đưa ra, sẽ được EC xóa cảnh báo trước đó (nhận “thẻ xanh”), tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu. Ở mức độ 2, nếu các quốc gia không tiến hành hiệu quả việc chống khai thác IUU kể từ khi nhận “thẻ vàng” sẽ phải đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm hải sản khai thác sang EU (nhận “thẻ đỏ). Tính đến hết năm 2019, có 26 quốc gia đã bị EC áp dụng hình thức phạt thẻ.

(còn nữa)

HOÀNG HOA LÊ/Báo điện tử Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-1-no-luc-de-go-the-vang-619755

Tệp đính kèm