Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tinh giản nội dung dạy học của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh.
Một học kỳ chỉ vài buổi học trải nghiệm
Từ 5-7/6, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn xây dựng kế hoạch môn học/hoạt động giáo dục cho gần 600 tổ trưởng chuyên môn cốt cán các trường THPT của 16 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.
Theo giáo viên Phạm Thị Kim Sanh, trường THPT Trương Vĩnh Ký (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), việc tinh giản, đổi mới dạy học, định hướng theo Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 rất cần thiết.
Lý do là chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện nay có nhiều nội dung nặng tính hàn lâm, thiếu ứng dụng thực tiễn, nội dung kiến thức một số môn và giữa các lớp học có sự trùng lặp.
Đây là một phần lý do khiến học sinh chưa hứng thú học tập.
Thực hiện yêu cầu của Bộ GD&ĐT, những năm gần đây, trường THPT Trương Vĩnh Ký đã tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới dạy học bằng cách tổ chức học tập, thông qua các hoạt động tìm hiểu mô hình sản xuất, thị trường kinh doanh của địa phương. Học sinh và giáo viên đều rất hứng thú.
Giáo viên tham gia khoá tập huấn tổ trưởng chuyên môn về xây dựng kế hoạch giáo dục môn học/hoạt động giáo dục.
“Tuy nhiên, nội dung cần dạy học theo chương trình, SGK rất nặng, một học kỳ chúng tôi chỉ tổ chức được một vài buổi cho học sinh học trải nghiệm.
Tới đây, nếu Bộ GD&ĐT tinh giản chương trình và áp dụng thống nhất trên toàn quốc, giáo viên sẽ có thêm thời gian để áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, mang lại hứng thú cho học sinh”, giáo viên Phạm Thị Kim Sanh nói.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Đặng Thị Nâu, giáo viên môn Địa lý trường THPT Chiêm Thành Tấn (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cho rằng, việc tinh giản chương trình hiện hành, đổi mới dạy học và kiểm tra tránh giá định hướng CT GDPT mới là cần thiết và hữu ích.
Việc đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá tới đây của cô sẽ được thực hiện bài bản, khoa học hơn, thay vì mang tính tự phát như vừa qua.
Rà soát tinh giản nội dung dạy học
Tại khoá tập huấn, các tổ tưởng chuyên được hướng dẫn thực hiện rà soát tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn, kế hoạch giáo dục môn học…
Giáo viên sẽ rà soát và đề xuất tinh giản các nội dung dạy học vượt quá nội dung cần đạt về kiến thức, kỹ năng của CT GDPT hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học và hoạt động giáo dục; bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay thế cho thông tin cũ, lạc hậu...
Sau khi tinh giản, giáo viên thực hiện tích hợp hoặc ghép hợp nội dung kiến thức thành bài học hoặc chủ đề dạy học.
Để tổ chức dạy học sau tinh giản, các nhà trường, tổ chuyên môn phải xây dựng kế hoạch chuyên môn của từng môn học để giáo viên căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch dạy học cho cá nhân.
Tổ trưởng chuyên môn môn Hoá học tập huấn tập trung.
Việc đổi mới kiểm tra đánh giá được thực hiện theo hướng tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số, không nhận xét chung chung.
Phát biểu tại khóa tập huấn, TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã ban hành CT GDPT 2018.
Mục tiêu chuyển từ nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho học sinh.
Từ đó, việc dạy học và kiểm tra đánh giá cũng được yêu cầu đổi mới theo hướng tăng cường tính chủ động, sáng tạo của học sinh, dạy học thông qua các hoạt động giáo dục trong và ngoài lớp.
“Đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá cần phải đồng bộ với hoạt động tinh giản nội dung dạy học. Điều này giúp giáo viên, học sinh có thêm nhiều thời gian thực hiện các phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá mới để hình thành và phát triển phẩm chất năng lực người học”, TS Sái Công Hồng nói.
Được biết để ứng phó với dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã tinh giản nội dung dạy học của chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020.
Hoạt động này nhận được những hiệu ứng tích cực từ học sinh, giáo viên và toàn xã hội.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng GD&ĐT, thời gian tới sẽ thực hiện tinh giản nội dung dạy học của CT GDPT hiện hành, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng giáo dục phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh.
Chủ trương này sẽ thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Như vậy, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục sẽ thuận lợi trong công tác đổi mới dạy học và học sinh là người hưởng lợi cuối cùng.
Theo Nguyễn Quỳnh/dantri.com.vn