Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds - Anh) vừa công bố bảng xếp hạng đại học thế giới cho năm 2021 (QS World University Rankings 2021 – QS WUR 2021) vào sáng 10/6. Việt Nam tiếp tục có 2 cơ sở giáo dục đại học có mặt trong bảng xếp hạng này, đó là ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và ĐH Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM).
Ảnh: 2 đại học của Việt Nam tiếp tục duy trì trong nhóm 1000 thế giới.
Theo kết quả xếp hạng, ĐHQG Hà Nội lần thứ 3 liên tiếp nằm trong nhóm 801-1000 các trường đại học tốt nhất toàn cầu. Mặc dù liên tục duy trì ở nhóm thứ hạng này trên bảng xếp hạng, nhưng điểm xếp hạng của ĐHQGHN ngày càng gia tăng, dẫn tới thứ hạng tuyệt đối trong bảng xếp hạng cũng dần được nâng cao. Cụ thể, ở hai đợt xếp hạng trước, ĐHQG Hà Nội nằm trong nhóm 78,5% (2019) và 74,9% (2020) các trường đại học hàng đầu. Ở đợt xếp hạng lần này, ĐHQG Hà Nội vươn lên nằm trong nhóm 67,5% các trường đại học hàng đầu thế giới.
QS WUR 2021 xếp hạng cho 1002 trường trong tổng số 1.604 cơ sở giáo dục thuộc 93 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá. Trong số này, 47 trường lần đầu tiên tham gia xếp hạng. Kết quả xếp hạng này lấy dữ liệu từ 1.6 triệu đề cử của học giả và 310 nghìn đề cử của nhà tuyển dụng, thu thập được 102.500 phản hồi của học giả và 52.000 nhà tuyển dụng toàn cầu, phân tích 138 triệu trích dẫn (trong giai đoạn 2014-2019) từ 18 triệu bài báo (trong giai đoạn 2014-2018).
Trong các tiêu chí xếp hạng năm nay, tiêu chí về uy tín học thuật của ĐHQGHN gia tăng điểm đáng kể, trở thành tiêu chí có điểm số cao nhất của ĐHQGHN (nằm trong top 500+). Điều này cho thấy vị thế quốc tế, uy tín khoa học của ĐHQGHN ngày càng gia tăng, được nhiều đối tác ghi nhận.
QS WUR xếp hạng các trường đại học theo 6 tiêu chí, bao gồm: Đánh giá của học giả (40%), đánh giá của nhà tuyển dụng, số trích dẫn/giảng viên, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế. Tiêu chí xếp hạng của QS nhấn mạnh vào đóng góp và tác động của chất lượng đào tạo và nghiên cứu của trường đại học đối với xã hội (thông qua đánh giá của doanh nghiệp, học giả trong và ngoài nước) và các đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (thông qua số trích dẫn/giảng viên).
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore có 3 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, trong đó có 2 trường đại học nằm trong Top 15 thế giới (NUS đứng thứ 11 và NTU đứng thứ 13), và 1 trường (Singapore Management University) thuộc nhóm 511-520. Malaysia có 20 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, trong đó Đại học Malaya có thứ hạng tốt nhất là 59 thế giới. Malaysia cũng được QS đánh giá là quốc gia có sự thăng tiến mạnh nhất trong đợt xếp hạng này với 8 (trong tổng số 20) cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 500 thế giới. Sau Malaysia là Thái Lan với 8 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, trong đó Đại học Chulalongkorn có thứ hạng tốt nhất là 208; Philippines có 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, trong đó Đại học Philippines có thứ hạng tốt nhất là 396; Indonesia có 8 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, trong đó Đại học Indonesia có thứ hạng tốt nhất là 254.
Trên thế giới, Hoa Kỳ tiếp tục là quốc gia của các trường đại học hàng đầu thế giới, với 5 trường lọt vào Top 10, trong đó Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) giữ vững vị trí số 1 trong 9 năm liên tiếp, tiếp đến là các trường Đại học Stanford (thứ 2), Đại học Harvard (thứ 3), Viện Công nghệ California (Caltech – thứ 5) và Đại học Chicago (thứ 9).
Mới đây, ĐHQGHN lần đầu tiên có mặt trong Bảng xếp hạng các trường đại học khu vực châu Á năm 2020 do tạp chí Times Higher Education (THE Asia) vừa công bố ngày 4/6/2020 với vị trí trong nhóm 201 – 250, đứng đầu Việt Nam về xếp hạng tổng thể và có điểm cao nhất về các tiêu chí quan trọng là Giảng dạy, Nghiên cứu, Quốc tế hóa.
Cũng theo công bố kết quả xếp hạng các trường đại học thế giới theo lĩnh vực - Times Higher Education World University Rankings by Subject, lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của ĐHQGHN nằm trong nhóm 401-500. Trước đó, nhóm ngành Vật lý và Thiên văn học được QS xếp hạng 501 - 550 thế giới và đứng vị trí số 1 so với các cơ sở giáo dục đại học trong nước; nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin, nhóm ngành Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo lần lượt thuộc top 551-600 và 451-500 thế giới.
Trước đó, năm 2019, lần đầu tiên ĐHQGHN và 2 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được Thời báo Giáo dục đại học - Times Higher Education (THE) xếp trong nhóm 1000 đại học hàng đầu thế giới. Theo đó, ĐHQGHN thuộc nhóm 801-1000 thế giới và là đơn vị có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Theo Nhật Nam/chinhphu.vn