Mô hình trồng vườn gắn với du lịch sinh thái giúp giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, giúp tăng thu nhập cho mỗi hộ dân ở xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang từ 49 triệu đồng/năm.
Trái dâu da phát triển thuận lợi ở vùng đất ấp Bến Nhứt. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Những vườn dâu da sum suê, trĩu quả ở ấp Bến Nhứt, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng từ lâu là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Kiên Giang.
Nhờ nguồn vốn vay 400 triệu đồng của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, bà con nơi đây đã có thêm điều kiện để mở rộng, cải tạo vườn dâu, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ngày càng thu hút du khách từ khắp nơi đến tham quan, giải trí.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thạnh Lê Thị Kim Phượng cho biết, các vườn dâu da đã hình thành từ hơn hai mươi năm qua tại ấp Bến Nhứt, xã Long Thạnh. Vùng đất này nằm bên dòng sông Cái Bé với nguồn nước ngọt dồi dào, khí hậu thuận lợi để phát triển các loại trái cây; trong đó có dâu da.
Hiện Bến Nhứt có 18 hộ làm vườn dâu du lịch sinh thái với tổng diện tích 16ha; trong đó, một số hộ thời gian qua đã mạnh dạn đầu tư phát triển quy mô vườn dâu, sầu riêng, măng cụt, dứa, kết hợp mở rộng dịch vụ du lịch sinh thái, ăn uống, tham quan, câu cá giải trí.
Nhờ vậy đã thu hút du khách trong nước và quốc tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn còn thiếu vốn nên mô hình này vẫn chỉ dừng lại số ít, chưa được nhân rộng để giúp bà con phát triển kinh tế.
Nhằm giúp nông dân có điều kiện mở rộng vườn dâu du lịch sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập, Hội Nông dân xã Long Thạnh đã lập dự án đầu tư mô hình trồng vườn gắn với du lịch sinh thái và xây dựng thành công tổ hợp tác làm vườn.
Tháng 10/2019, dự án được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ 10 hộ dân vay 400 triệu đồng. Thông qua đây, các hộ nông dân được vay vốn để từng bước phát triển mô hình, thu hút ngày càng nhiều du khách về tham quan; góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Gia đình anh Phạm Quyết, ngụ ấp Bến Nhứt, xã Long Thạnh trồng dâu da 22 năm qua hai thế hệ với tổng diện tích 13.000m2. Theo anh Quyết, thu nhập từ vườn dâu du lịch sinh thái gấp 3-4 lần so với trồng lúa.
Trong dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua, sau khoảng thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, vườn dâu sinh thái Cát Tường của gia đình anh Quyết mở cửa trong 5 ngày, bình quân thu hút 700 lượt khách/ngày.
Có lúc cao điểm, lượng khách quá đông, vườn dâu phải đóng cửa tạm ngưng phục vụ. Vé vào cổng tham quan, ăn trái cây trực tiếp tại vườn là 30.000 đồng/khách 15 tuổi trở lên, dưới 15 tuổi miễn phí vé.
Anh Quyết cho biết, tổng doanh thu dịp lễ vừa qua của gia đình đạt 500 triệu đồng. Hiện vào dịp cuối tuần, doanh thu vườn dâu sinh thái Cát Tường bình quân đạt 10 triệu đồng/ngày.
Nhờ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Trung ương Hội Nông dân, anh Phạm Quyết đang triển khai mô hình trồng vườn gắn với du lịch sinh thái các loại cây dâu da, dâu xiêm, thanh long, bòn bon, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, để phục vụ trái cây cho du khách thưởng thức quanh năm.
Anh cũng thả thêm các loại cá trê, cá tai tượng, thát lát để du khách vừa câu cá giải trí vừa có nhiều lựa chọn để thưởng thức các món đặc sản đồng quê. Ngoài ra, do lượng khách ngày càng đông, anh Quyết đầu tư thêm 15 nhà chòi và 1 nhà lớn để đáp ứng chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho du khách.
Du khách trải nghiệm không gian sinh thái trong vườn dâu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Tham quan, vui chơi tại vườn dâu sinh thái ở ấp Bến Nhứt, xã Long Thạnh, chị Nguyễn Hiền Phương (quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi được bạn bè giới thiệu ở Kiên Giang có vườn dâu du lịch sinh thái rất hấp dẫn với khung cảnh miệt vườn đặc trưng. Đến đây rồi tôi mới cảm nhận được không gian sông nước thoáng mát, hữu tình, chủ vườn lại rất mến khách, phục vụ chu đáo, các món ăn đồng quê rất ngon…”
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Thạnh Nguyễn Thanh Quốc cho biết, mô hình trồng vườn gắn với du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con trong thời gian qua.
Sắp tới, chính quyền xã đề nghị huyện, tỉnh có hướng đầu tư mở rộng các tuyến đường, cầu dẫn vào các vườn du lịch sinh thái của xã, để thuận tiện cho du khách đến tham quan, vui chơi giải trí. Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng hỗ trợ cho bà con kỹ thuật làm vườn, cách thức chăm sóc các loại cây ăn trái…
Theo bà Lê Thị Kim Phượng, mô hình trồng vườn gắn với du lịch sinh thái giúp giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, giúp tăng thu nhập cho mỗi hộ dân từ 49 triệu đồng/năm.
Nhờ mô hình, các hộ dân được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, đồng thời đời sống gia đình theo đó ngày càng được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Theo Hồng Đạt (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/kien-giang-phat-trien-kinh-te-tu-vuon-cay-du-lich-sinh-thai/644999.vnp