Cập nhật: 17/07/2020 09:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc phân công nhân sự phải “rõ người, kín việc”, rõ quy trình, trách nhiệm. Việc bố trí nhân sự phải có số dư để đảm bảo trong các tình huống phát sinh để việc tổ chức kỳ thi diễn ra thuận lợi.


Bám sát quy chế, không sáng tạo, tránh suy luận

Năm 2020, tỉnh Tuyên Quang có 8.031 thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó số thí sinh đăng ký chỉ thi tốt nghiệp chiếm 60,5%, số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp và tuyển sinh 39,5%. Toàn tỉnh Tuyên Quang dự kiến có 29 điểm thi với số người tham gia tổ chức kỳ thi là 1.363 người.

Báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Vũ Đình Hưng, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Tuyên Quang cho biết, chúng tôi cũng đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi với các giải pháp đề phòng  tình huống bất trắc có thể xảy ra, phương án phối hợp với chính quyền cấp xã quản lý tốt việc đi lại của học sinh trong những ngày thi, phương án đảm bảo an ninh trật tự, phương án chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện khác tổ chức điểm thi an toàn tuyệt đối, đúng các quy định.

Về công tác đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi, ông Hà Phúc Thịnh, Phó GĐ Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Công an tỉnh đã lựa chọn và bố trí 29 cán bộ có chuyên môn và kinh nghiệm để làm công tác bảo vệ đề thi. Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện lựa chọn, bố trí cán bộ để tham gia bảo vệ vòng ngoài. “Chúng tôi đặc biệt chú ý tới công tác nắm tình hình trước, trong và sau kỳ thi để có phương án cụ thể đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi”, ông Thịnh nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, ngoài mục đích tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tỉnh Tuyên Quang còn phấn đấu để có kết quả thi cao.

"Từ nay tới lúc tổ chức kỳ thi, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục rà soát và chuẩn bị tốt các điều kiện, những điểm còn chưa chặt chẽ sẽ tăng cường chỉ đạo, phải làm sao để không xảy ra bất kỳ sai phạm nào và kết quả phải tốt hơn năm ngoái”, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang nêu rõ.

Nhắc đến hai từ khóa “an toàn” và “chất lượng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Muốn tổ chức kỳ thi an toàn và chất lượng thì quy trình, trình tự phải rõ, rõ người, rõ việc, rõ phối hợp. Trong quá trình thực hiện cần bám sát quy chế, không sáng tạo, tránh suy luận, suy diễn. “Bất luận thế nào cũng phải đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng đề nghị Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tập trung cho giai đoạn “nước rút” ôn tập cho học sinh, bám sát đề thi tham khảo đã được Bộ GDĐT công bố, nhất là những học sinh không có điều kiện tham gia đầy đủ học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Do năm nay kỳ thi được tổ chức muộn hơn mọi năm, rơi vào thời điểm có thể xảy ra mưa lũ ở các tỉnh miền núi nên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, tỉnh Tuyên Quang cần có các kịch bản ứng phó, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia kỳ thi và chủ động phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối bài thi của thí sinh.

Công an tham gia tập huấn thi

Tại tỉnh Yên Bái, năm 2020 toàn tỉnh có 7.418 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 4.237 em chỉ dự thi để xét tốt nghiệp, 2.859 thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, 322 thí sinh chỉ thi để tuyển sinh. Tỉnh Yên Bái bố trí 322 phòng thi tại 27 điểm thi với hơn 1.600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác in sao đề thi, coi thi, chấm thi…

Phó ban thường trực BCĐ thi cấp tỉnh - Giám đốc Sở GDĐT Yên Bái - Vương Văn Bằng cho biết, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tổ chức thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài BCĐ thi cấp tỉnh, mỗi huyện/thị xã/thành phố của Yên Bái đều thành lập một BCĐ cấp huyện, để tăng cường chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn phối hợp tổ chức tốt kỳ thi, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Từng công việc cụ thể để chuẩn bị, tổ chức kỳ thi, như: in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi; coi thi, chấm thi; thanh tra, kiểm tra; đảm bảo an ninh, y tế... đều được xây dựng kế hoạch, lên phương án triển khai chi tiết.

Theo Phó ban thường trực BCĐ thi tỉnh Yên Bái, địa phương này có những điểm thi cách xa trung tâm thành phố gần 200km, nhiều điểm thi nằm ở các xã; địa bàn, thời tiết vùng cao phức tạp có thể ảnh hưởng đến kỳ thi... Để đảm bảo an toàn, thuận lợi trong tổ chức thi, hỗ trợ tối đa thí sinh, BCĐ và các đơn vị đã xây dựng phương án đối phó với thiên tai bão lũ, bố trí xe đưa đón và sắp xếp chỗ ở cho thí sinh nhà xa điểm thi, hỗ trợ kinh phí các em có hoàn cảnh khó khăn.

Làm rõ thêm công tác đảm bảo an ninh an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái - Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT, cử cán bộ tham gia tập huấn công tác thi theo kế hoạch của Sở GDĐT; phối hợp với Sở GDĐT tổ chức tập huấn cán bộ, chiến sĩ về các nội dung, nhiệm vụ của lực lượng công an, theo quy định của Bộ GDĐT.

“Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT, thống nhất một số nội dung và từ đó xây dựng kế hoạch chi tiết của công an tỉnh, đồng thời chuyển đến tất cả đơn vị chức năng và công an các huyện để chỉ đạo thực hiện. Các yếu tố đảm bảo an ninh, an toàn rất được nhấn mạnh trong kế hoạch và quán triệt cụ thể tới từng cán bộ, chiến sĩ”, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái - Nguyễn Xuân Tuấn nói.

Để tăng cường phòng ngừa và xử lý kịp thời việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong phòng thi, công an tỉnh Yên Bái sẽ hướng dẫn cho cán bộ coi thi cách nhận biết và xử lý. Đơn vị này đồng thời lên kế hoạch kiểm tra cụ thể từng điểm thi, xây dựng phương án dự phòng để sẵn sàng đối phó các tình huống phát sinh liên quan đến mưa lũ, sạt lở đất…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - Trưởng BCĐ thi cấp tỉnh - Dương Văn Tiến nhấn mạnh: "Yên Bái sẽ tập trung tất cả điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 một cách tốt nhất; đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng quy chế, không để sự cố xảy ra.

BCĐ cấp tỉnh, đến BCĐ thi cấp huyện và từng cán bộ tham gia, đều nghiêm túc học Quy chế để nắm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong tổ chức, làm thi.

Công tác lựa chọn nhân sự tham gia các BCĐ, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến kỳ thi, theo đó cũng được tỉnh Yên Bái thực hiện cẩn trọng, đảm bảo chọn đúng người đủ phẩm chất, năng lực".

Xác định rằng, con người là yếu tố quan trọng nhất trong thực hiện thành công kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị tỉnh Yên Bái tiếp tục chú trọng khâu lựa chọn nhân sự tham gia làm thi. Việc phân công nhân sự phải “rõ người, kín việc”, rõ quy trình, trách nhiệm, rõ sản phẩm, thời gian. Việc bố trí nhân sự phải có số dư để đảm bảo trong các tình huống phát sinh, việc tổ chức kỳ thi vẫn diễn ra thuận lợi.

Theo Nhật Hồng/dantri.com.vn

 

Tệp đính kèm