Cập nhật: 05/08/2020 10:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, các khu du lịch sinh thái vườn ở thành phố Long Khánh đã đón gần 100.000 lượt khách đến tham quan, thưởng thức các loại trái cây ngon, ước đạt doanh thu 60 tỷ đồng.

Du khách tận tay thu hái các loại cây trái. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Gần đây, phát triển kinh tế nông nghiệp kết hợp với thu hút du lịch đã đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.

Sự tham gia trực tiếp của nông dân đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Tăng thu nhập rõ rệt

Nông nghiệp gắn kết du lịch đang là mô hình mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua du khách, các sản phẩm nông nghiệp được quảng bá rộng rãi. Sự gắn kết này đã tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện với môi trường.

Từ thực tế kết hợp này, nhiều địa phương đề ra chương trình, kế hoạch cụ thể để gắn kết liên ngành, tạo ra hướng đi mới nhiều triển vọng...

Tại một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh lân cận, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao đã xuất hiện trong nhiều năm qua. Những mô hình này cũng được nông dân đầu tư thành điểm du lịch hấp dẫn. Khi hòa mình với môi trường nông thôn thanh bình, được chia sẻ về quy trình sản xuất, du khách trân quý hơn quả ngọt, trái lành thắm đẫm tình đất, tình người. 

Những ngày giữa tháng Bảy, vườn thanh long hơn 1.700 trụ của ông Nguyễn Văn Chín ở thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa thu hoạch lứa thanh long chong đèn trái vụ đang được giá, vừa chỉnh trang những tiểu cảnh trang trí, lắp đặt thêm trong vườn nhiều vật dụng gắn bó với làng quê Việt Nam để đón khách du lịch đến tham quan rất nhộn nhịp.

Ông Chín cho biết dù thanh long đang được giá, nhưng gia đình không thu hoạch hết mà vẫn giữ lại một số lượng trái chín trên cây, để chuẩn bị đón đoàn khách du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt chỗ tham quan. Gia đình ông muốn du khách có thể tự tay thu hoạch trái và trải nghiệm một phần công việc của người trồng thanh long. Ðó cũng là cách góp phần quảng bá cho trái thanh long và du lịch Bình Thuận.

Nức tiếng cả nước với những vườn nho trĩu quả, gần đây, tỉnh Ninh Thuận đã kết hợp khá hiệu quả giữa phát triển loại trái cây đặc sản này với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.

Ghé thăm vườn nho của ông Nguyễn Văn Mọi (thương hiệu nho Ba Mọi), rộng 2.000m2, tại xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, du khách có thể vừa được tìm hiểu cách chăm sóc nho, vừa được thưởng thức nho tươi, sirô, rượu nho. Tại đây, du khách còn được chia sẻ về cách nhận biết nho Ninh Thuận với các loại nho nhập khẩu khác, hoặc cách chế biến các sản phẩm từ trái nho...

Bằng hình thức kết hợp sản xuất nho, các sản phẩm nho với việc đón khách du lịch, các vườn nho tại đây có nguồn thu nhập tăng thêm song song với việc bán sản phẩm nho. Bình quân, mỗi hộ nông dân vừa trồng nho, vừa kết hợp du lịch có thu nhập hơn 150 triệu đồng từ du lịch.

Khi tuyến đường ven biển dài hơn 105km nối liền giữa Ninh Thuận và Khánh Hòa hoàn thành, thu hút nhiều du khách đến với vùng đất đầy nắng gió này, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) khuyến khích nông dân địa phương phát triển vườn nho, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch.

Ðến nay, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải đã có 190ha trồng nho để kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm.

Nhân rộng để phát huy hiệu quả

Trước những yêu cầu trải nghiệm thiết thực các hoạt động sản xuất của du khách hiện nay, những địa phương phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch hiệu quả đã có những kế hoạch thiết kế vườn, thu hút các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

Là một trong những địa phương có nhiều vườn cây ăn trái, vườn tiêu, vườn điều, cùng các đơn vị chế biến sản phẩm nông nghiệp của khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Đồng Nai đã khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Đến nay, đã có các huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh phát huy được hiệu quả từ phát triển kinh tế kép này.

Ông Lê Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho biết hiện nay, hầu hết các xã, phường ở thành phố Long Khánh, Ðồng Nai đều có hộ tham gia mô hình du lịch sinh thái vườn.

Ngoài phục vụ trái cây tại vườn, các điểm du lịch sinh thái vườn còn phục vụ thêm các dịch vụ vui chơi, ăn uống cho du khách. Thành phố Long Khánh cũng đã đầu tư đồng bộ hạ tầng phục vụ cho du khách, đặc biệt là các đoàn khách có số lượng khách tham gia lớn. Các hộ nông dân đã trang trí tiểu cảnh, nơi chế biến mẫu để du khách trải nghiệm.

Để hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, kết hợp du lịch, ông Lê Văn Thắng cho biết thành phố Long Khánh đã chủ động tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia uy tín truyền đạt kiến thức về làm du lịch gắn với nông nghiệp, giúp người dân nhận biết rõ hơn nhiều mặt tích cực trong sự gắn kết này.

Trong hai năm qua, có hơn 200 hộ đăng ký làm du lịch vườn. Chính quyền địa phương còn tổ chức các cuộc thi nhà vườn kiểu mẫu, lễ hội trái cây để khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.

Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, các khu du lịch sinh thái vườn ở thành phố Long Khánh đã đón gần 100.000 lượt khách đến tham quan, thưởng thức các loại trái cây ngon. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch sinh thái vườn ước đạt hơn 60 tỷ đồng.

Du khách ghé vào thăm miệt vườn. (Ảnh: Vietnam+)

Nếu như sản xuất nông nghiệp thuần túy từ các vườn trái cây mỗi hécta chỉ được khoảng từ 58 triệu đồng/năm thì việc kết hợp du lịch vườn đã giúp tăng thu nhập cho nông dân lên khoảng 130 triệu đồng/ha/năm.

Không riêng các nhà vườn, hộ nông dân kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp với hoạt động thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, nhiều doanh nghiệp cũng đã sử dụng trang trại và nhà máy chế biến như một kênh đầu tư làm dịch vụ du lịch.

Bà Bùi Ngọc Tú Thanh, phụ trách Nông trại Green Farm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ 3T Plus tại thôn Sông Xoài 1, xã Láng Lớn, huyện Châu Ðức, Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết nông trại của 3T Plus có diện tích 7ha, được đầu tư xây dựng năm 2016 với các phân khu nhà hàng, khu cắm trại team building, hệ thống nhà sàn, nhà gỗ nằm xen kẽ giữa các tán cây, con suối uốn lượn; khu vườn bưởi da xanh; khu sản xuất dưa lưới theo công nghệ Israel.

Green Farm không chỉ đầu tư quy trình sản xuất nông nghiệp sạch để cung cấp các sản phẩm bảo đảm chất lượng mà còn liên kết với các nông trại khác như U.S Farm, Binon cacao, bơ Thái Dương để tạo thành tour du lịch trải nghiệm khép kín.

Công ty cũng tổ chức các hoạt động văn hóa như biểu diễn cồng chiêng (của dân tộc Chơ Ro), hướng dẫn các kỹ năng sống, kỹ năng làm nông nghiệp... Trung bình mỗi tuần, nông trại đón và phục vụ khoảng 400 lượt khách, doanh thu trung bình đạt 270 triệu đồng/tháng...

Có thể thấy, nếu chỉ phát triển kinh tế nông nghiệp đơn thuần, nông dân lẫn doanh nghiệp chỉ có một đầu ra đối với sản phẩm của mình. Nhưng khi kết hợp với du lịch trải nghiệm, sản phẩm của họ sẽ được tiêu thụ thông qua nhiều kênh, đặc biệt du khách sẽ trở thành một kênh giúp quảng bá những đặc sản của các địa phương khi họ đặt chân đến./.

Theo Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/tang-thu-nhap-nho-gan-phat-trien-nong-nghiep-voi-du-lich-sinh-thai/655295.vnp

Tệp đính kèm