Cập nhật: 07/08/2020 10:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 9-8 tới, thí sinh cả nước bước vào ngày đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi, được xây dựng phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 cũng như thực tế dạy và học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, cần bảo đảm an toàn, sức khỏe, tinh thần đối với thí sinh, cán bộ tham gia kỳ thi; giúp thí sinh nắm vững quy định mới; có phương pháp hợp lý để làm bài thi đạt kết quả tốt.

Nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn tại điểm thi Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) sáng 6-8. Ảnh: PHẠM HÙNG

Không lơ là phòng, chống dịch

Kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, chuẩn bị kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Đến nay, hầu hết các địa phương đã có kịch bản để bảo đảm an toàn trong suốt kỳ thi. Thí dụ, 61 điểm thi tại tỉnh Nghệ An đã được trang bị thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn. Mỗi điểm thi có khoảng từ bốn đến năm phòng thi dự phòng dành cho những thí sinh có biểu hiện ho, sốt; từ bốn đến năm nhân viên y tế.

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, công tác chuẩn bị kỳ thi tại các địa phương đã hoàn tất, đáp ứng yêu cầu, bảo đảm các điều kiện tổ chức. Các điểm thi cần có đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu. Trước khi đến điểm thi, thí sinh và cán bộ làm công tác thi cần đo thân nhiệt; khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe phải báo ngay cán bộ y tế trực tại điểm thi. Đồng thời, tránh tụ tập đông người trước và sau khi thi, bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch.

Thí sinh cần quan tâm đặc biệt đến quy chế thi để tránh những vi phạm đáng tiếc. Ngày 8-8, thí sinh có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định để làm thủ tục dự thi. Nếu thấy có những sai sót về họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, thí sinh báo ngay cho cán bộ coi thi hoặc người làm nhiệm vụ tại điểm thi để kịp thời xử lý.

Ở các kỳ thi trước, mặc dù đã được phổ biến quy chế thi, nhưng nhiều thí sinh vẫn vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi do các nguyên nhân đáng tiếc, phổ biến nhất là mang, sử dụng điện thoại di động trong phòng thi; đến thi muộn... Thầy giáo Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) khuyên các thí sinh không nên học tập căng thẳng, ăn ngủ điều độ, giữ gìn sức khỏe, ôn tập lại bài một cách nhẹ nhàng; đến các điểm thi sớm, kiểm tra các giấy tờ cần thiết, nếu không may bị quên, mất còn có thời gian xử lý. Cha, mẹ thí sinh cần thường xuyên nhắc nhở con mình không được mang điện thoại di động vào phòng thi, vì theo quy chế thi, dù thí sinh không sử dụng vẫn bị lập biên bản, đình chỉ thi và không được xét tốt nghiệp.

Chú trọng kỹ năng làm bài

Theo Bộ GD và ĐT, kỳ thi năm nay được tổ chức với mục đích đánh giá kết quả học tập của người học; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi để tuyển sinh. Từ ngày 9 và 10-8, kỳ thi diễn ra với các bài thi: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm các môn thi thành phần: Vật lý, Hóa học, Sinh học), bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, bài thi Toán, Ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm; bài thi Ngữ văn thi tự luận. Thời gian làm bài thi Ngữ văn là 120 phút, bài thi Toán là 90 phút, Ngoại ngữ là 60 phút, các môn thi thành phần của hai bài thi tổ hợp có thời gian làm bài 50 phút. Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải dự thi ba bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một bài thi do thí sinh tự chọn trong số hai bài thi tổ hợp. Những thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên phải dự thi hai bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và một bài thi do thí sinh tự chọn trong số hai bài thi tổ hợp.

Về kỹ năng làm bài, với phần lớn các bài thi theo hình thức trắc nghiệm, để làm tốt các bài thi thí sinh phải nắm chắc một số kỹ năng cần thiết. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mỹ, giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) chia sẻ, thí sinh cần đọc kỹ đề, dành nửa thời gian đầu làm từ câu dễ đến câu khó, câu nào thấy đúng tô luôn vào phiếu trả lời trắc nghiệm, câu nào chưa làm được thì  đánh dấu X vào đề làm sau. Như vậy, ở lượt đầu, thí sinh dành từ 25 đến 30 phút sẽ làm được khoảng 50 đến 60% đề thi (phần cơ bản tương đối dễ dành cho thí sinh ở mức trung bình). Lần thứ hai, thí sinh quay lại làm những câu chưa làm được, theo cách cân đối đáp án và lựa chọn đáp án phù hợp nhất rồi tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Câu nào chưa làm được, thí sinh tiếp tục đánh thêm một dấu X để làm sau. Một phần ba thời gian còn lại, những câu đánh hai dấu X được cho khó nhất, thí sinh buộc phải lựa chọn đáp án và soát lại toàn bộ bài thi. Bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy, vì vậy, thí sinh cần tô mã đề cẩn thận, chuẩn bị ít nhất hai bút chì 2b bằng gỗ, có gọt bút, tẩy, nếu hỏng bút này sẽ có bút khác thay thế...

Cô giáo Đỗ Kim Thoa, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, đối với môn Ngữ văn, nguyên tắc chung thí sinh phải trả lời tất cả các câu hỏi, không được bỏ qua bất cứ câu hỏi nào, những câu chưa rõ có thể trả lời theo dạng câu lệnh chung; phải luôn để ý thời gian, phân bổ thời gian hợp lý giữa hai phần của đề thi. Phần đọc hiểu, được chia ra các cấp độ khác nhau (thể hiện ngay ở phần chia điểm), do đó thí sinh nên trả lời trực tiếp vào câu hỏi, không cần diễn giải, ảnh hưởng tới thời gian làm các câu khác. Lưu ý với câu số 4 thường là câu vận dụng cao, do đó đòi hỏi thí sinh cần có kỹ năng tạo lập đoạn văn trình bày ngắn gọn quan điểm của mình. Thời gian hợp lý để trả lời từ 10 đến 15 phút. Đối với phần làm văn, ở câu nghị luận xã hội, yêu cầu trình bày ý kiến của bản thân về một tư tưởng hoặc hiện tượng, thí sinh chỉ cần viết đoạn văn 200 chữ bảo đảm bố cục, trả lời được các câu hỏi: Tư tưởng, hiện tượng bàn luận là gì; ý nghĩa, hiện trạng của tư tưởng, hiện tượng đó; rút ra bài học và liên hệ. Thời gian hợp lý để trả lời là từ 15 đến 20 phút. Đối với câu nghị luận văn học trong phần làm văn, đòi hỏi thí sinh có kỹ năng và kiến thức về văn bản. Đối với câu hỏi lưu ý, xác định đúng dạng đề yêu cầu từ đó xác định trọng tâm của bài rơi vào phần nào; phân tích, cảm nhận dựa trên hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ... nhất là cần dựa trên phong cách tác giả để lý giải và có cảm nhận hợp lý về văn bản. Bài viết nên có so sánh, liên hệ để tăng thêm độ sâu, bảo đảm bố cục để tránh bị trừ điểm.

Theo QUÝ TÙNG và MINH NGHĨA

nhandan.com.vn

Tệp đính kèm