Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, công tác chấm thi được tiến hành theo lịch trình đã đề ra. Năm nay, phần mềm này tiếp tục được nâng cấp, đề phòng gian lận.
Theo ông Mai Văn Trinh, trừ Đà Nẵng, hiện 62 tỉnh, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc chấm thi. Bắt đầu từ ngày 11/8, các hội đồng thi sẽ tiến hành công tác chuẩn bị cho chấm thi.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 10/8, ông Mai Văn Trinh cho biết, đến nay các địa phương đã chuẩn bị xong.
Cụ thể, địa điểm lưu trữ bài thi của toàn bộ hội đồng thi được chuẩn bị khá kĩ lưỡng, kể cả mặt an toàn và an ninh.
Thứ hai là địa điểm làm phách, được yêu cầu cách ly theo quy chế.
Thứ ba, vùng địa điểm chấm thi tự luận phải đảm bảo yêu cầu có đủ chỗ để tổ chức chấm hai vòng độc lập.
Đối với môn thi trắc nghiệm, mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất. Các phần mềm chấm thi đã được gửi về các đơn vị từ sớm, các thiết bị máy quét, máy tính để phục vụ chấm thi trắc nghiệm đã được lắp đặt.
“Tôi đề nghị ngay sau khi coi thi xong, các đơn vị phải rà soát lại hệ thống để đảm bảo khi vận hành không có trục trặc xảy ra", ông Trinh cho biết.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT)
Bộ GD&ĐT sẽ có thường trực hỗ trợ các khâu về kĩ thuật cho địa phương khi cần thiết.
Về lo ngại xảy ra tiêu cực khi chấm thi trắc nghiệm, ông Mai Văn Trinh cho rằng, máy móc sẽ chấm thi thay con người.
Bộ GD&ĐT đã nâng cấp hoàn thiện một bước nữa phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng thông minh hơn, hỗ trợ phát hiện các lỗi sai sót đồng thời việc bảo mật thông tin được nâng lên một bước.
Theo đó, tất cả các bài thi trắc nghiệm được đánh phách điện tử. Tất cả các dữ liệu đầu vào, đầu ra, dữ liệu trung gian đều được mã hoá và chỉ được giải mã bởi các cán bộ có trách nhiệm, bằng các công cụ tương thích.
Đặc biệt, tất cả những tác động lên phần mềm đều được lưu vết, có thể truy tìm lại lịch sử để xử lý trong những trường hợp cần thiết.
Về mặt quy trình, Bộ GD&ĐT cũng hoàn thiện một bước. Năm nay, quy trình chấm thi trắc nghiệm tiếp tục kế thừa hiệu quả của năm ngoái. Sẽ quét tất cả các túi bài thi với tối đa 24 bài thi.
Như vậy, thời gian xuất hiện ở thời gian thực rất ngắn. Trong quá trình đó sẽ có sự chứng kiến của thanh tra và lực lượng an ninh.
Việc năm ngoái, hiện tượng 58 bài thi trắc nghiệm ở Tây Ninh bị điểm 0 và sau phúc khảo lại tăng lên thành 9 điểm, ông Mai Văn Trinh cho rằng, việc nâng cấp phần mềm giúp sửa lỗi.
Ngay từ ngày 11/8, việc chấm thi sẽ được tiến hành.
Về mặt quản lý, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu tất cả các hội đồng thi, sau khi kết thúc kì thi phải cập nhật lên hệ thống Quản lý thi tình trạng vắng thi của thí sinh.
Đặc biệt, các thí sinh bị xử lý đình chỉ thi trong kỳ thi này phải được cập nhật lên hệ thống.
Để phòng ngừa Covid-19, các địa phương đã tính toán cả khâu coi thi, chấm thi như khử khuẩn, đo thân nhiệt, trang bị cồn rửa tay. An toàn về sức khỏe vẫn là vấn đề đặt lên hàng đầu.
Ngay từ ngày 11/8, việc chấm thi sẽ được tiến hành. Bộ đã có dự trù thời gian, cho những thành phố lớn nhất như Hà Nội, TP.HCM sẽ có đủ thời gian để chấm thi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Về việc năm nay, hơn 26.000 thí sinh phải thi đợt 2 vì dịch Covid-19, ông Mai Văn Trinh cho hay, tinh thần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT được diễn ra trong bối cảnh “bình thường mới”.
Khi nào các địa phương an toàn, khống chế được dịch Covid-19 mới tổ chức kỳ thi đợt 2 theo đề xuất tùy thời gian thuận lợi.
Thứ hai, dù tổ chức vào thời điểm nào, việc tổ chức thi, tuyển sinh lần 2 vẫn phải diễn ra an toàn, đúng quy chế nhưng đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu.
Từ năm 2019, việc công bố đáp án sẽ được tiến hành theo tiến độ chấm thi để ngăn ngừa gian lận.
Tiến trình này dựa theo tiến độ chấm thi trắc nghiệm, tự luận. Lịch trình công bố điểm thi sau khi hoàn thành chấm thi.
Bộ GD&ĐT đã tính toán, sắp xếp dữ liệu để không nghẽn mạng khi công bố điểm, tránh ảnh hưởng đến đời tư của thí sinh, hình thức công bố miễn phí.
Đặc biệt, việc công bố phổ điểm thi được tiến hành theo kế hoạch đã đề ra lúc đầu, không vì dịch Covid-19 mà bỏ đi khâu nào của kỳ thi.
Theo Mỹ Hà/dantri.com.vn