Đây chỉ là mức điểm để các trường nhận hồ sơ xét tuyển, còn điểm trúng tuyển thường cao hơn, tùy thuộc vào từng ngành, từng trường.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi, phổ điểm từng môn và các tổ hợp xét tuyển truyền thống, nhiều trường đại học đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) với phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên các thí sinh cần lưu ý, đây chỉ là mức điểm để các trường nhận hồ sơ xét tuyển, còn điểm trúng tuyển thường sẽ cao hơn, tùy thuộc vào từng ngành, từng trường.
Trường Đại học Ngoại thương đã thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển cho từng ngành, từng nhóm ngành (Ảnh: KT)
Các trường như Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Dầu khí Việt Nam, Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội)… đã thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển cho từng ngành, từng nhóm ngành. Theo đó, mức điểm sàn nhận hồ sơ của các trường thấp nhất là 15 điểm 3 môn thi (đã tính điểm ưu tiên) và cao nhất là 26,5 điểm (đối với ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh).
PGS, TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Ngoại thương cho biết, trường quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào riêng cho 2 phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đối với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn là tổng điểm 2 môn thi từ 16,5 đến 18 điểm.
Đối với phương thức 4 là phương thức xét theo điểm tổng 3 môn trong tổ hợp xét tuyển của nhà trường thì mức điểm sàn chung là 23 điểm đối với tất cả các chương trình đào tạo của trường giảng dạy tại trụ sở chính Hà Nội và cơ sở 2 tại thành phố Hồ Chí Minh. Còn đối với các chương trình giảng dạy tại Quảng Ninh thì mức điểm sàn là 18 điểm.
So với năm 2019, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển năm nay của một số trường cao hơn năm ngoái từ 0,5 đến 1 điểm. Đại diện các trường cho biết, mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đã được cân nhắc dựa trên điểm trúng tuyển các năm trước và phổ điểm thi các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Với mức điểm trung bình từ 5 điểm một môn thì học sinh có thể đủ năng lực để theo học bậc đại học.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Hà Nội cho biết, mức điểm tiếp nhận hồ sơ tối thiểu của trường là 16 điểm cho các khối D, A1 và A1, tăng hơn 1 điểm so với mức điểm nhận hồ sơ năm 2019.
"Lưu ý rằng 16 điểm này là điểm Ngoại ngữ không nhân đôi. Chúng tôi tin tưởng với mức điểm này, sẽ có rất nhiều thí sinh có đủ mức điểm để nhập hồ sơ vào trường. Tuy nhiên, các thí sinh cũng nên tham khảo điểm chuẩn xét tuyển của những năm trước để so sánh với kết quả thi của mình năm nay cũng như phổ điểm nói chung, để từ đó có sự lựa chọn những ngành mà mình yêu thích, mong muốn được học nhưng đồng thời cũng phù hợp với kết quả thi của mình", ông Dũng lưu ý thêm.
Tuy nhiên, mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của các trường đại học không đồng nghĩa với điểm trúng tuyển vào trường. Thực tế tuyển sinh các năm trước cho thấy, mức điểm trúng tuyển của các trường đều cao hơn điểm ngưỡng nhận hồ sơ từ 0,5 đến 2 điểm, thậm chí có ngành cao hơn tới 4 điểm. Năm nay phổ điểm thi các môn và phổ điểm thi theo khối của thí sinh đều cao hơn so với năm ngoái nên các trường đều dự báo, điểm trúng tuyển sẽ cao hơn điểm nhận hồ sơ.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Qua các tổ hợp xét tuyển có thể thấy điểm tổ hợp xét tuyển trung bình năm nay cao hơn so với năm ngoài và tôi dự kiến là điểm trúng tuyển sẽ cao từ 2-4 điểm, tùy từng ngành và tùy từng cơ sở đào tạo. Đối với những em có điểm từ 8,5 trở lên là có sự phân hóa rất rõ rệt cho nên đối với những ngành hot, có sự cạnh tranh cao thì tôi tin sẽ tuyển được tốt".
Từ ngày 19/9, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học một lần duy nhất, có thể bằng phiếu hoặc điều chỉnh bằng hình thức trực tuyến. Khi đó, các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2 cũng đã biết điểm thi nên sẽ cùng điều chỉnh nguyện vọng với thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 1.
Lãnh đạo các trường đều khuyến cáo, bên cạnh việc xem xét điểm thi của mình, điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các trường, thí sinh cần có sự so sánh tương quan điểm trúng tuyển các năm trước, phổ điểm từng khối thi năm nay, chỉ tiêu xét tuyển của các trường để có phương án điều chỉnh nguyện vọng hợp lý, tăng cơ hội trúng tuyển cho bản thân./.
Theo Minh Hường/VOV1