Nhiều cán bộ quản lý cho rằng, để học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nề nếp. Nhiều trường phải xây dựng những quy định riêng, đảm bảo việc dạy và học trên lớp.
Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ “tạo thêm việc cho giáo viên”
Một hiệu trưởng Trường THPT tại tỉnh Đắk Nông cho biết, thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành ngày 15/9/2020 áp dụng cho học sinh sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác trong lớp và trong trường học
Theo vị hiệu trưởng này, đặc thù của trường là có nhiều học sinh ở xa nên không thể cấm tuyệt đối học sinh sử dụng điện thoại. Trước đây, các em vẫn mang điện thoại đến trường, tuy nhiên chỉ được sử dụng trước và sau mỗi buổi học, ngay cả giờ ra chơi, nhà trường cũng không cho dùng.
“Không thể cấm các em dùng điện thoại vì nhu cầu của các em cũng như sự cho phép của phụ huynh. Thế nhưng để được sử dụng trong giờ học, chúng tôi phải thống nhất cụ thể với phụ huynh, đảm bảo việc dạy và học trên lớp”, vị hiệu trưởng này cho hay.
Nhiều giáo viên lo ngại khi phải quản lý học sinh sử dụng điện thoại trên lớp (ảnh minh họa)
Theo lãnh đạo trường THPT này, bên cạnh những mặt tích cực, giúp học sinh tiện tra cứu thông tin, kiến thức, tiếp cận với công nghệ thông tin thì “dùng điện thoại trong lớp học hại nhiều hơn lợi”.
Ngoài những vấn đề như kiểm soát nội dung truy cập, tìm kiếm; Định hướng việc khai thác thông tin; chia sẻ, bình luận hoặc sử dụng mạng xã hội…. thì vị hiệu trưởng này cũng lo ngại, học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ “tạo thêm việc cho giáo viên”.
“Giáo viên phải luôn trong tâm thế mình bị ghi âm, quay hình trên lớp, điều đó giúp giáo viên cẩn trọng hơn trong lời nói và hành động. Tuy nhiên, nó cũng khiến giáo viên mất tự nhiên, khó gần gũi, quan tâm học trò. Đặc biệt, giáo viên phải quản lý học sinh sử dụng điện thoại trong lớp mà luôn trong tâm thế những clip do học sinh quay lại, có thể bị cắt ghép rồi chia sẻ để bôi nhọ, đả kích giáo viên”, vị hiệu trưởng này nhìn nhận.
Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng internet hiệu quả (ảnh minh họa)
Sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy
Một hiệu trưởng trường THPT tại huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) bày tỏ lo ngại, cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, trong trường học khiến một số học sinh có thái độ “phân biệt giàu nghèo”, hình thành nhóm “rick kid” (trẻ có điều kiện) trong tập thể học sinh.
Vị hiệu trưởng này phân tích, nếu đồng ý để học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, sẽ có những em “chạy đua” để trang bị cho mình những chiếc điện thoại đời mới hoặc có giá trị cao. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, nhiều học sinh có điện thoại “xịn- đẹp” chơi chung với nhau, từ đó hình thành các nhóm “học thì ít, chơi thì nhiều”.
“Các em không có điện thoại hoặc điện thoại cũ sẽ rất khó chạy đua với những em có điều kiện. Từ đó cũng tạo ra tâm lý tự ti, mặc cảm trong các em. Dẫn đến nhiều hệ lụy”, nam hiệu trưởng cho hay.
Tiếp nối phân tích trên, vị hiệu trưởng này cũng lo ngại, từ tâm lý tự tin, mặc cảm khiến các em suy nghĩ bồng bột. Bình thường thì về đòi bố mẹ mua cho điện thoại mới, nguy hiểm hơn là trộm cắp tài sản của các bạn khác trong trường học.
“Sẽ rất khó quản lý nếu các em mang điện thoại đến lớp sử dụng. Chúng tôi lo sẽ có nhiều hệ quả tiêu cực xảy ra, đặc biệt là việc trộm cắp tài sản”.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Trường THPT Chu Văn An (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), hiện tại thông tư vẫn chưa có hiệu lực áp dụng. Tuy nhiên để sử dụng điện thoại có hiệu quả, nhà trường phải đưa nội dung này vào buổi họp phụ huynh đầu năm học.
“Chúng tôi quán triệt với phụ huynh việc cho phép con em sử dụng điện thoại. Từ trước đến nay, các cháu vẫn học tập tốt mà không cần sử dụng điện thoại trên lớp. Nhà trường có thư viện, phòng máy đảm bảo cho các cháu tra cứu thông tin khi cần thiết. Học sinh sử dụng điện thoại trên trường nên chỉ để phục vụ việc liên lạc với gia đình”, lãnh đạo trưởng này cho hay.
Theo Dương Phong/dantri.com.vn