Cập nhật: 02/11/2020 10:03:00
Xem cỡ chữ

Khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, thì việc huy động các nguồn lực xã hội trên tinh thần tự nguyện để đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục giúp học sinh được học trong một môi trường tốt hơn là một việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, xã hội hóa giáo dục như thế nào và cách làm ra sao để không biến tướng trở thành hiện tượng “lạm thu” gây bức xúc trong dư luận đòi hỏi cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với các khoản thu, chi này.

Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Vân Hội, huyện Tam Dương đã xin ý kiến chính quyền địa phương cho phép nhà trường được huy động xã hội hóa giáo dục để có kinh phí trang bị thêm thiết bị phục vụ công tác bán trú của học sinh và mua dù che nắng trên sân trường cho học sinh khi tổ chức các hoạt động ngoài trời. Để tạo sự đồng thuận, không gây bức xúc cho phụ huynh, trước khi huy động nhà trường đã xây dựng kế hoạch và hoạch toán chi tiết, rõ ràng các hạng mục, kinh phí cần thực hiện để phụ huynh được biết và ủng hộ trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng.

Trước nhu cầu về việc gửi học sinh ăn bán trú tại trường ngày càng gia tăng, các trường học còn xây dựng nhiều khoản thu có sự thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và nhà trường nhằm phục vụ trực tiếp học sinh như: Tiền ăn bán trú, tiền trông trưa, tiền nước uống…Bên cạnh đó, nhiều khoản thu xã hội hóa cũng được đưa ra để các phụ huynh cũng như các tổ chức, cá nhân ủng hộ bổ sung cơ sở vật chất. Tuy nhiên, vào đầu mỗi năm học các trường đều tổ chức lấy ý kiến từ chính quyền địa phương và góp ý trực tiếp từ phụ huynh học sinh trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm học về việc xây dựng các khoản thu và công khai toàn trường trong một khoảng thời gian nhất định trước khi tiến hành thu.

Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đang triển khai thu các khoản thu trong năm học 2020 - 2021. Bên cạnh các khoản thu theo quy định, nhiều phụ huynh được Ban đại diện cha mẹ phụ huynh của lớp, của trường, gợi ý, lấy ý kiến để đóng góp một số khoản phục vụ cho lớp học như: Điều hòa, máy chiếu, trang trí lớp học…Đa phần các phụ huynh đồng tình với xã hội hóa đúng cách nhằm giúp học sinh có được môi trường học tập tốt hơn nhưng các khoản thu đó phải được xây dựng sao cho phù hợp với điều kiện người dân từng địa phương và cần công khai, minh bạch, việc thu chi phải quyết toán đầy đủ, rõ ràng để phụ huynh được tham gia giám sát trực tiếp.

Xã hội hóa giáo dục là việc làm thiết thực, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng không ít các trường học mượn danh nghĩa xã hội hóa để lạm thu, khiến cho dư luận bức xúc. Do vậy, để hạn chế tình trạng này Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như chính quyền các địa phương đã có nhiều quy định về tài trợ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nghiêm cấm Ban đại diện cha mẹ phụ huynh các trường thu tiền dưới hình thức "bổ đầu.Việc tài trợ trong lĩnh vực giáo dục phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục, tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành. Trong việc quản lý thu chi cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cũng như cộng đồng dân cư, phụ huynh học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để tránh tình trạng lạm thu xảy ra./.

Thu Hoài