Cập nhật: 09/11/2020 10:20:00
Xem cỡ chữ

Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí sử lý, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm và không khí từ đó giảm tác động của biến đổi khí hậu, lợi ích thiết thực là thế xong hiện nay việc phân loại rác thải chưa được người dân quan tâm, coi trọng, cần có những giải pháp cụ thể để từng bước thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.

Với trên 12.000 dân, xã Đồng Tĩnh là địa phương đông dân nhất của huyện Tam Dương, hằng ngày lượng rác thải ra môi trường lên đến gần 2 tấn, khiến bãi rác thải của địa phương quá tải. Để giải quyết tình trạng này, từ tháng 1 năm 2020, xã đã thành lập và đi vào hoạt động Hợp tác xã Vệ sinh môi trường. Đồng thời quy hoạch xây dựng bãi rác thải tập trung thứ 2 của xã với diện tích 1.000 mét vuông.

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác của huyện Tam Dương, việc phân loại rác ngay tại nguồn trong hộ gia đình, khu dân cư, của xã Đồng Tĩnh hiện nay, thực hiện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Một nguyên nhân khiến công tác phân loại rác ở các địa phương hiện nay gặp nhiều khó khăn do ý thức của người dân chưa cao, mặc dù các địa phương đã thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường.

Việc phân loại được rác ngay từ nguồn thải có ý nghĩa tích cực, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực tế chứng minh ở các địa phương đã vận động Nhân dân phân loại rác như ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên. Từ năm 2018, Hợp tác xã Vệ sinh môi trường của xã này đã vận động Nhân dân chủ động phân loại rác ngay tại gia đình và đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác vệ sinh môi trường.

Trong khi các địa phương và tỉnh chưa xây dựng được nhà máy xử lý rác thải tập trung với quy mô lớn thì việc phân loại rác ngay từ mỗi gia đình sẽ giúp xử lý rác thải được thuận lợi hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời hạn chế các loại dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân./.

Mạnh Khiêm