Cập nhật: 08/12/2020 10:11:00
Xem cỡ chữ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa cảnh báo hoạt động cho vay ngang hàng của các nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam có thể gây rủi ro, trong khi nhiều nước thắt chặt.

Cụ thể, trong dự thảo báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ KH&ĐT cảnh báo nhiều tổ chức nước ngoài hoạt động về kinh tế chia sẻ hiện đại đang gia tăng hoạt động ở Việt Nam, trong khi các nước đang tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ.

Bộ KHĐT cảnh báo dịch vụ vay ngang hàng của Trung Quốc tràn sang Việt Nam - 1

Bộ KH&ĐT cảnh báo hoạt động cho vay ngang hàng của nước ngoài, trong đó có Trung Quốc đang tăng tốc vào Việt Nam, trong khi nhiều nước kiểm soát chặt

Cụ thể, dẫn chứng số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT cho biết, từ năm 2016, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, số lượng hiện nay vào khoảng 100 công ty (đã hoạt động và một số thử nghiệm) một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia ...

Bộ KH&ĐT cho rằng, dù mới xuất hiện nhưng các công ty trên có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, khách hàng.

"Trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực đang tăng cường quản lý hoạt động P2P lending (Trung Quốc, Singapore, Indonesia...) thì các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty P2P Lending của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam", Bộ KH&ĐT cảnh báo.

Theo Bộ KH&ĐT, do khung khổ pháp lý hiện hành ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động P2P lending. Các công ty hoạt động trong lĩnh này đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính ... cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Hoạt động của mô hình P2P lending có mang lại ảnh hưởng tích cực nhưng nếu  không được quản lý, giám sát chặt chẽ, có thể phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội, đặc biệt có thể gia tăng rủi ro nợ xấu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các công ty P2P lending thực hiện hoạt động kết nối giữa người vay và người cho vay trên nền tảng công nghệ số. Bên vay và bên cho vay được kết nối với nhau để thực hiện vay tiền.

Các tác nhân tham gia trong mô hình P2P lending gồm có: Công ty P2P Lending; người đi vay; người cho vay; ngân hàng; công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử), công ty bảo hiểm, thu hồi nợ...

Trường hợp bên cho vay đồng ý cho vay tiền thì bên vay và bên cho vay sẽ giao kết thỏa thuận tài chính, trong đó thống nhất với nhau về lãi suất, nghĩa vụ giải ngân của bên cho vay, nghĩa vụ thanh toán khoản vay, tiền lãi và phí (nếu có) của bên vay ... Trong mô hình kết nối này, mặc dù các chủ thể tham gia là độc lập, mỗi chủ thể đều có vai trò, quyền lợi và trách nhiệm riêng.

Trong thời gian qua, tại một số địa phương như TP.HCM đã xuất hiện một số đối tượng sử dụng các hình thức cho vay qua ứng dụng điện tử, công nghệ (qua các app trực tuyến).

Đáng nói, với điều kiện vay dễ dãi, người vay tiền qua các ứng dụng cho vay ngang hàng rất nhận được tiền nhanh chóng nhưng trái lại họ sẽ phải mất chi phí vay khá cao và chịu lãi lớn. Trong quá trình thực hiện hợp đồng vay và trả lãi suất, nếu người vay không trả được lãi, mức phạt lãi rất lớn, gây rủi ro lớn cho người đi vay.

Ngoài cho vay ngang hàng, Bộ KH&ĐT cảnh báo xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình kinh tế chia sẻ của Việt Nam.

Thậm chí, "họ chấp nhận lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam. Nếu Nhà nước ta không sớm ban hành và triển khai chiến lược, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thì có thể dẫn đến bị các doanh nghiệp lớn của nước ngoài chi phối hoàn toàn thị trường kinh tế chia sẻ trong nước, lũng đoạn thị trường một số ngành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước", Bộ KH&ĐT khẳng định.

Theo Bộ KH&ĐT, trước vấn đề phát sinh thực tế ngày càng nhiều, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa theo kịp diễn biến này trên thị trường trong nước, đang để ngỏ nhiều khoảng trống pháp luật.

"Thậm chí, một số lĩnh vực đã có quy định pháp luật nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng để các doanh nghiệp nước ngoài khai thác, gây bất lợi cho thị trường trong nước", Bộ KH&ĐT cho hay.

Theo Nguyễn Tuyền/dantri.com.vn -  Ngày 8/12/2020