Cập nhật: 08/01/2021 15:42:00
Xem cỡ chữ

Hiện nay, chúng ta là nền kinh tế đứng thứ 40 thế giới, trong ASEAN, quy mô GDP của kinh tế Việt Nam đã vượt Singapore và Malaysia. Năm 2035, Việt Nam phấn đấu đứng thứ 19 nền kinh tế thế giới.

Tại Hội nghị Tổng kết Bộ Tài chính sáng nay 8/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những thành tựu và tự hào về vị thế của đất nước ta; trong đó có việc kiểm soát, khống chế và ngăn chặn tốt đại dịch Covid-19, nền kinh tế ổn định, lạm phát thấp và đặc biệt là nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương trong khi nhiều nền kinh tế lớn của thế giới và khu vực.

Thủ tướng: Việt Nam đang nổi lên là thiên đường sản xuất mới - 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết Bộ Tài chính sáng 8/1

Thủ tướng cho biết: "Việt Nam đang nổi lên là thiên đường sản xuất mới trên thế giới". Theo Thủ tướng, ngành Tài chính đã chủ động tham mưu ban hành nhiều cơ chế chính sách như giải ngân vốn đầu tư công, cơ chế chính sách, miễn giảm, phí và lệ phí với 124.000 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân trước, trong và sau dịch.

Bội chi dưới 3-4%, nợ công ở ngưỡng cho phép, đây là những con số có ý nghĩa trong bối cảnh các nước quanh chúng ta chìm đắm trong đại dịch Covid-19.

Theo Thủ tướng, năm 2021 tình hình diễn biến phức tạp mà không chỉ dịch bệnh mà khủng hoảng nợ công trên phạm vi toàn cầu có thể xảy ra ảnh hưởng đến nhiệm vụ của ngành tài chính. Cho nên không có cách nào khác chúng ta tiếp tục đổi mới hiệu quả hơn.

Thủ tướng cho rằng: "Trong bối cảnh này chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, không ngừng phát triển. Ngành tài chính phải lấy sản xuất làm gốc, ngoài nhiệm vụ thu chi, thì tài chính góp phần khơi gợi nhiều nguồn lực và đổi mới tư duy theo hướng vì cộng đồng doanh nghiệp, vì nhân dân".

Người đứng đầu Chính phủ đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành tài chính trong năm 2021, trong đó đặc biệt lưu ý phối hợp với các ngành để điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì phát triển.

"Rà soát các quy định, chính sách, tiếp tục tháo gỡ để tạo điều kiện phát triển, môi trường đầu tư thông thoáng thuận lợi. Kinh tế số, tài chính số trong bối cảnh hiện nay được áp dụng như thế nào", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cho biết, công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước năm 2021 cần thực hiện hơn nữa việc tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả, bội chi 4%.

"Tiết kiệm dưới 50.000 tỷ đồng, khoảng 2 triệu USD, đây là tiết kiệm ngân sách rất lớn và quý giá. Đây là nhiệm vụ cả nước phải làm, phải đề cao tiết kiệm như là phong trào cách mạng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiều giải pháp chính sách tài khóa linh hoạt (như miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất) được triển khai để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 31/12/2020 đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm.

Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cả năm đạt 98% dự toán, tăng 184.000 tỷ đồng so với đánh giá tại Quốc hội tháng 10/2020, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,9% GDP.

Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, mức rất tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến.

Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020, tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020.

Theo An Linh/dantri.com.vn – Ngày 8/1/2021