Kết thúc một học kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ở lớp 1, giáo viên và học sinh các trường tiểu học đã nhanh chóng bắt nhịp chương trình. Những khó khăn ban đầu trong quá trình triển khai của cả thầy và trò đã được tháo gỡ kịp thời tạo những chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy và học.
Giờ học tiếng Việt của cô và học sinh lớp 1 Trường tiểu học Trần Nhân Tông (TP Nam Định, tỉnh Nam Định).
Nhanh chóng bắt nhịp
Tại Trường tiểu học thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, cô giáo Nguyễn Thị Diễm Phương cho biết: Thời gian đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới, giáo viên có những bỡ ngỡ, cha mẹ học sinh cũng có những phản ánh nhiều chiều, song sau đó giáo viên và học sinh đã nhanh chóng bắt nhịp. Sau kiểm tra, đánh giá học sinh trong học kỳ I, mặt bằng chất lượng học sinh lớp 1 năm nay của nhà trường nâng lên so với những năm trước. Đáng chú ý, học sinh tích cực hơn, nhiều em tiến bộ nhanh. Nội dung các bài học trong SGK mới đa dạng, ngữ liệu có tranh minh họa giúp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh dễ nhận biết, hiểu rõ nghĩa, bài tập thực hành. Ngoài ra, mỗi bài học đều có sách điện tử cho nên giáo viên có thể truy cập dễ dàng để dạy. Với 25 năm kinh nghiệm dạy lớp 1, cô giáo Nguyễn Thị Phượng chia sẻ: Học chương trình GDPT mới lần này, những học sinh có nền tảng tốt từ bậc mẫu giáo có thể tiếp thu và tiến bộ rất nhanh.
Còn tại tỉnh Bạc Liêu, sau sáu tháng triển khai chương trình mới, các giáo viên đang giảng dạy lớp 1 tại Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm, TP Bạc Liêu đều có chung chia sẻ là đã vượt qua được những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, đã mạnh dạn, linh hoạt để làm chủ hoạt động dạy học. Cô giáo Lê Nguyệt Ánh, giáo viên lớp 1 cho rằng: Kết thúc học kỳ I, cả lớp chỉ còn một trong tổng số 47 học sinh còn khó khăn khi học theo chương trình mới. Để đạt được kết quả trên là nhờ có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh. Ngay từ đầu năm học, cô giáo đã thiết lập trên mạng zalo nhóm cha mẹ học sinh của lớp để lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc, đồng thời hướng dẫn cha mẹ học sinh đồng hành với con trong quá trình học tập theo chương trình mới.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) TP Bạc Liêu Huỳnh Chí Hiếu cho biết: Phòng GD và ĐT thành phố đã chỉ đạo xây dựng năm tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức các cuộc sinh hoạt, trao đổi và tổ chức năm đợt dự giờ giáo viên lớp 1 để lắng nghe, chia sẻ và gỡ khó cùng giáo viên. Phòng sẽ triển khai sơ kết, rút kinh nghiệm để đưa ra giải pháp thực hiện học kỳ II.
Bảo đảm các điều kiện để triển khai chương trình
Sau một học kỳ triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 1 với sự quyết liệt của Bộ GD và ĐT, bước đầu cho thấy rõ sự cố gắng, vào cuộc tích cực từ giáo viên, nhà trường, phòng GD và ĐT, sở GD và ĐT các địa phương. Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục trong việc thực hiện chương trình SGK GDPT mới. Toàn tỉnh hiện có 118 trường tiểu học và ba trường phổ thông có cấp tiểu học với 74.611 học sinh trong 2.334 lớp. Để bảo đảm triển khai chương trình mới, địa phương đã sắp xếp 2.215 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố là 1.552. Số học sinh lớp 1 được học hai buổi/ngày là 14.761 em, đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường và các trường tiểu học có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất không bảo đảm thành những điểm trường, trường tiểu học có quy mô lớn hơn để tập trung nguồn lực đầu tư kiên cố. Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học bảo đảm nhu cầu tối thiểu các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1.
Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, qua kiểm tra quá trình triển khai chương trình GDPT mới cho thấy sự quan tâm chỉ đạo thực hiện chương trình của cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự nỗ lực và bắt nhịp nhanh chóng của đội ngũ giáo viên và sự đồng hành, hỗ trợ của cha mẹ học sinh. Triển khai chương trình GDPT mới là một chủ trương lớn, năm học 2020 - 2021 là năm đầu thực hiện cho nên cần có tổng kết, đánh giá để rút kinh nghiệm và mạnh dạn thay đổi. Trong đó, cần chú ý các điều kiện về nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ việc triển khai chương trình.
Để tiếp tục triển khai chương trình trong giai đoạn tới, các địa phương quan tâm tới việc lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6, bảo đảm đúng quy định, phát huy tính dân chủ, minh bạch trong chọn sách. Việc xây dựng, ban hành tài liệu giáo dục địa phương cần được thực hiện kỹ lưỡng, chặt chẽ, chất lượng, tránh để xảy ra các sai sót. Đối với hai điều kiện quan trọng triển khai chương trình GDPT mới là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, cần có kế hoạch lâu dài, có bước đi, lộ trình bài bản, phù hợp. Trong đó, tính toán đến việc xây dựng và triển khai hai đề án cụ thể về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất cho giai đoạn 5 năm tới. Bộ GD và ĐT sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ để cùng các địa phương thực hiện hai đề án quan trọng nêu trên, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới nói riêng, đổi mới GD và ĐT nói chung.
Minh Thu và Thùy Dương/nhandan.com.vn - Ngày 17/01/2021
https://nhandan.com.vn/giaoduc/hieu-qua-buoc-dau-cua-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi--632037/