Để có thể tạo ra bước đột phá trong đổi mới với giáo dục đào tạo hoàn toàn thách thức do những ràng buộc về nguồn lực tài chính và con người vì thế cần chọn ra nguyên nhân của những yếu kém nhất để tập trung đưa ra giải pháp tập trung chỉ đạo.
Nhận định về thành tựu trong giáo dục đào tạo, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng nêu rõ hệ thống có nhiều chuyển biến ở khắp các bậc học trong hệ thống theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện. Từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cho thấy nhiều kết quả đáng khích lệ trong nhiệm kỳ qua.
Có nhiều chuyển biến ở khắp các bậc học trong hệ thống theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện. (Ảnh minh họa)
Chúng ta hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi trên phạm vi cả nước về giáo dục phổ thông, chúng ta đã hoàn thành chương trình và sách giáo khoa mới, bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021 từ lớp Một. Chúng ta đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thấy nhiều điểm tích cực và các bài học quý giá về cách tổ chức thi, nội dung thi đã có tác động nhất định đến cách dạy và học ở giáo dục phổ thông. Công tác huy động nguồn lực cho giáo dục phổ thông đẩy mạnh mỗi năm đỡ cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống cơ sở dữ liệu của giáo viên, cán bộ quản lý được xây dựng và cập nhật. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành kịp thời. Xu hướng tăng quyền chủ động cho nhà trường phổ thông đẩy mạnh ở một số thành phố lớn.
Đổi mới GD-ĐT vẫn chưa trở thành động lực then chốt
Tuy nhiên, Dự thảo cũng chỉ ra "Đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới còn thiếu hệ thống, chưa ổn định. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao. Hệ thống giáo dục và đào tạo chưa bảo đảm tính đồng bộ và liên thông giữa các trình độ, các phương thức giáo dục và đào tạo. Nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo vẫn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động".
Về nguyên nhân của những hạn chế có thể thấy công tác quản lý về hệ thống là một trong các nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế mà Dự thảo đã nêu ra.
Chúng ta vẫn thiếu mô hình quản lý hiện quả chủ yếu quản lý tập trung vào yếu tố đầu vào hơn là đầu ra. Trách nhiệm của trung ương và các bộ ngành liên quan đến tài chính, nhân sự giáo dục còn nhiều vướng mắc.
TS Hoàng Ngọc Vinh - tác giả bài viết cho rằng, hầu hết cán bộ lãnh đạo quản lý nhà trường thiếu đào tạo kỹ năng lãnh đạo đổi mới nhà trường. (Ảnh: KT)
Cơ chế can thiệp hành chính của chính quyền địa phương vào công việc nhà trường phổ thông trong nhiều việc về nguồn lực và nhân sự cũng như một số hoạt động khác. Bộ chủ quản các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tạo ra bộ máy cồng kềnh, hình thành nhiều thủ tục hành chính mà đôi khi cản trở cho phát triển giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Việc tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục, phân cấp mạnh cho địa phương là một xu hướng đúng nhưng thiếu đồng bộ với tăng cường năng lực lãnh đạo quản lý giáo dục của địa phương, nhà trường trong quản lý giáo dục và ứng dụng công nghệ trong quản lý. Đặc biệt cán bộ lãnh đạo quản lý nhà trường thiếu đào tạo kỹ năng lãnh đạo đổi mới nhà trường ở hầu hết các trường phổ thông. Bằng cấp thạc sĩ về quản lý giáo dục nhưng chất lượng hầu như không đạt yêu cầu với vị trí việc làm của hiệu trưởng.
Trách nhiệm giải trình thiếu vắng trong giáo dục từ cấp Trung ương đến địa phương và các trường, đặc biệt ở trong giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Nếu hiểu trách nhiệm giải trình chỉ là sự minh bạch thông tin các yếu tố đầu vào (input-focused) và chi tiêu theo các quy định của ngành tài chính là chưa đủ mà trách nhiệm giải trình còn thể hiện ở kết quả đầu ra của người học khi thực hiện các hoạt động giáo dục. Trách nhiệm này không chỉ gán cho ngời đứng đầu cơ sở giáo dục mà phải được quán triệt đến từng giáo viên.
Chưa thực sự tạo ra hệ sinh thái cho GD-ĐT phát triển làm sao cung và cầu gắn với nhau qua một cơ chế trung gian trong môi trường thuận lợi nào chưa rõ. Vai trò doanh nghiệp chưa được thể hiện rõ và cách đào tạo vẫn dựa vào nhà trường là chính khiến năng lực làm việc thực tế của người học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học khá yếu.
Hội đồng quốc gia giáo dục đã có, nhưng ở nhiều địa phương thiết chế này chưa có để tư vấn giúp lãnh đạo và quản lý giáo dục ở địa phương huy động nguồn lực, sáng kiến và cơ chế để đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực địa phương đó chính là Hội đồng đổi mới giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực địa phương cũng như Hội đồng giáo dục và đào tạo cấp tỉnh không có.
Chính phủ luôn yêu cầu các địa phương chuẩn bị "đón đại bàng" về làm tổ, khi doanh nghiệp đến đầu tư thì không biết hỏi ai để có nguồn nhân lực tại chỗ, chắc Bí thư hay Chủ tịch đều khó trả lời được ngay và cũng chưa biết hỏi ai? Nếu có Hội đồng tư vấn thì địa phương sẽ đỡ hơn rất nhiều trong chuẩn bị nhân lực cho doanh nghiệp.
Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng ở một số địa phương coi nhẹ vai trò lãnh đạo này trong giáo dục và dường như những hạn chế về giáo dục là của Bộ ngành và của Chính phủ mà không có trách nhiệm của địa phương mình. Đổi mới giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân, nhưng cấp ủy Đảng và Chính quyền lại quan tâm nhiều hơn đến hoạt động kinh tế, nên chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các Nghị quyết còn hạn chế. Thông thường thì trông chờ vào Trung ương hoặc đổ lỗi cho Trung ương về những điều không thành công của giáo dục. Trách nhiệm người đứng đầu địa phương chưa quy định cụ thể khi triển khai NQ29 đó là bất cập khi đánh giá cán bộ sẽ thiếu cơ sở đánh giá khách quan.
Chính sách ban hành nhưng thiếu nghiên cứu dự báo, dẫn đến cơ chế để vận hành chính sách không theo kịp với sự thay đổi trong xã hội. Thiếu đồng bộ khi chính sách đi trước nhưng bối cảnh đổi mới thực tế khác với ban đầu nên kìm hãm sự phát triển. Nhiều văn bản pháp luật chồng chéo nhau khiến tự chủ đại học còn vướng. Giáo viên ở cơ sở giáo dục đào tạo hầu như không được tham gia vào quá trình chinh sách và kế hoạch hóa thiếu ổn định trong bối cảnh thay đổi cùng với chẩn đoán bệnh giáo dục từ xa không có nên công tác điều phối nguồn lực đầu tư kém hiệu quả. Một số sự cố giáo dục thời gian qua lại mang tính chất sự vụ nhưng ảnh hưởng lớn đến nỗ lực của toàn ngành về đổi mới giáo dục.
Mất bình đẳng về chất lượng giáo dục giữa các vùng vẫn còn tồn tại dai dẳng đặc biệt chất lượng đội ngũ giáo viên ở các vùng kinh tế khó khăn miền núi và hải đào, nhưng chúng ta chưa tận dụng hết lợi thế của ICT và Internet để phát triển kỹ năng chuyên nghiệp cho giáo viên ở các vùng đó qua việc cung cấp các video của nhưng giáo viên giỏi, xuất sắc của quốc gia trình diễn bài giảng mẫu.
Yếu tố cản trở rất lớn là văn hóa bảo thủ của hệ thống thói quen hành chính nhiều văn bản chỉ đạo hình thành nên một thể chế phi chính thức cản trở đổi mới giáo dục. Một số quốc gia tận dụng điểm tích cực của văn hóa để đổi mới giáo dục. Ở Việt Nam đã từng có văn hóa phong trào mang tính chính trị chuyển qua giáo dục được xã hội ủng hộ nhưng không bền vững, ngắt quãng như phòng trào "dạy tốt, học tốt", "Tất cả vì học sinh thân yêu", "Tiên học lễ, hậu học văn", "người tốt, việc tốt"...Nếu được đội ngũ giáo viên ủng hộ nhiệt thành trong các phong trào chuyển từ bệnh thành tích ảo sang thành tích thật thì giáo dục sẽ có bước chuyển.
Làm gì để tạo ra chuyển biến đột phá trong GD-ĐT
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Dự thảo chỉ ra với giáo dục đào tạo là: "Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài".
Để có thể tạo ra bước đột phá trong đổi mới với giáo dục đào tạo hoàn toàn thách thức do những ràng buộc về nguồn lực tài chính và con người vì thế cần chọn ra nguyên nhân của những yếu kém nhất để tập trung đưa ra giải pháp tập trung chỉ đạo.
Điều đầu tiên phải nêu cao vai trò và quy trách nhiệm của cấp ủy Đảng chính quyền địa phương với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo mà Đảng đã chỉ ra. Không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà phải có vai trò toàn diện trong lãnh đạo chỉ đạo trong phát triển xã hội một cách hài hòa, hiệu quả.
Hình thành môi trường sinh thái cho giáo dục trong bối cảnh thay đổi làm cho cung và cầu nhân lực gần với nhau hơn. Đặc biệt môi trường sinh thái cho giáo dục khởi nghiệp ở đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Tập trung đổi mới quản lý giáo dục kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0.
Do quản lý giáo dục vẫn còn phân tán vì thế công việc đầu tiên rất cần thiết kế bộ máy và cơ chế để ngành giáo dục thực hiện tốt chức năng phát triển nhân lực chất lượng cao đó là thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục từ trung ương đến địa phương. Trong 10 năm tới trên cơ sở ứng dụng học tập online, cần có một chương trình ưu tiên tăng cường năng lực lãnh đạo trường học cho các Hiệu trưởng và ứng viên Hiệu trưởng tương lai chuyên nghiệp hóa vị trí lãnh đạo nhà trường và góp phần chuyển đổi mô hình quản lý trường phổ thông theo mô hình (school-based management - hay còn gọi là quản lý dựa vào cộng đồng).
Bên cạnh đó triệt để ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động giáo dục và trong giảng dạy. Rất cần có một khung chính sách về chuyển đổi số trong giáo dục để tạo ra sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và với các hệ thống khác của đất nước theo hướng chuẩn hóa dữ liệu. Xây dựng quy định về trách nhiệm giải trình trong các cơ sở giáo dục đào tạo mà không phải cứ tự chủ mới phải giải trình. Giải trình nguồn lực trong xã hội kinh phí tiêu đi thì kết quả hoạt động giáo dục như thế nào. (Performance-based accountability). Chính phủ chỉ đạo thành lập Hội đồng giáo dục đào tạo và Phát triển nhân lực hoặc Hội đồng đổi mới giáo dục đào tạo ở địa phương ghép Hội đồng kỹ năng nghề địa phương vào hội đồng này luôn. Rất cần có có sự chỉ đạo của Đảng các cấp về chống “bệnh” gian dối trong giáo dục và một cơ chế mạnh để xử lý chấm dứt “bệnh” vào năm 2025.
Đối với bậc đại học, cần có chính sách mạnh về đầu tư cho một số trường đại học mạnh để xây dựng mô hình đổi mới sáng tạo không phân biệt trường công hay tư, hình thành mạng lưới liên kết hợp tác chia sẻ nguồn lực, trí tuệ, thông tin để đưa đại học nước ta hợp tác phát triển cạnh tranh với các trường trong khu vực
Ngành giáo dục tận dụng hết nền tảng công nghệ số bước đầu đã có sớm triển khai bồi dưỡng cán bộ quản lý, phương pháp sư phạm giảng dạy online và sản xuất các video phát triển truyền hình để giáo viên vùng sâu vùng xa có thể học hỏi được nhanh chóng. Mặt khác, với lợi thế của mình quản lý các trường đại học, ngành giáo dục phải là người tổng chỉ huy phát triển nhân lực số ứng dụng vào các ngành kinh tế cụ thể về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Đối với giáo dục nghề nghiệp cần tạo chuyển biến quan trọng trong đào tạo kỹ năng cho người lao động tại doanh nghiệp (in company training) đối phó với thay đổi công nghệ và hạn chế thất nghiệp sau Covid-19.
Với niềm tin sâu sắc vào đường lối lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, thực tế cho thấy những năm qua chúng ta đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, nhưng chặng đường phía trước còn dài và đầy gian nan trong bối cảnh thế giới đổi thay từng ngày từng giờ. Những bài học kinh nghiệm rút ra về phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trong kháng chiến và xây dựng đất nước chúng ta có quyền hy vọng sẽ có sự đổi mới đột phá trong lĩnh vực giáo dục đào tạo sau Đại hội Đảng khóa 13 để chuẩn bị nhân lực cho đất nước phát triển mạnh, bền vững hơn trong thời đại CM 4.0./.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo.
Theo VOV.VN - Ngày 24/1/2021
https://vov.vn/xa-hoi/lam-gi-de-tao-dot-pha-trong-doi-moi-giao-duc-va-dao-tao-giai-doan-2021-2030-832654.vov