Cập nhật: 19/04/2021 08:32:00
Xem cỡ chữ

Tỷ lệ sinh viên có việc làm khi ra trường của trường nghề luôn đạt trên 95%. Mức thu nhập trung bình từ 6-12 triệu đồng/tháng, nhiều sinh viên có thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng sau 3 năm làm việc.

Đó là số liệu sinh viên tốt nghiệp của trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đưa ra tại hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực Công nghiệp gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh và khu vực lân cận - Thực trạng và giải pháp trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0".

Hội thảo do trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cùng tạp chí Cơ khí Việt Nam tổ chức ngày 17/4 tại Bắc Ninh.

Trường nghề đào tạo song hành cùng với doanh nghiệp

Tại hội thảo, ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, sự chuyển mình của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từ đào tạo theo hướng "cung" chuyển sang đào tạo theo hướng "cầu" là bước ngoặt lớn của GDNN.

95% sinh viên trường nghề có việc làm, thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/tháng - 1

Ông Đỗ Văn Giang trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo ông Giang, vấn đề kết nối giữa cơ sở GDNN trên địa bàn Bắc Ninh và doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo từ đầu vào đến đầu ra không phải là mới.

Các trường là nơi cung cấp nguồn nhân lực, doanh nghiệp coi trường như bạn hàng. Hai bên đến với nhau có động lực, cùng lợi ích và áp lực không hợp tác thì không thể tồn tại.

Ông Giang cho rằng, chỉ khi nào áp lực và động lực trong mối quan hệ giữa 3 nhà: Nhà trường, Nhà nước và Doanh nghiệp được song hành, gắn kết thì mới bền vững, trở thành tự thân và không rơi vào phong trào.

Ông Giang cũng đề cao các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã phát huy thế mạnh của tỉnh nhà. Trở thành địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp lớn hợp tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao.

Ông đưa ra những minh chứng cụ thể như trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh (Bci), trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh (BCEC).

95% sinh viên trường nghề có việc làm, thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/tháng - 2

Ông Nguyễn Đức Lưu (phải), Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Nghiệp Bắc Ninh và ông Dương Thanh Bình (trái), Tổng biên tập Tạp chí Cơ khí Việt Nam chủ trì hội thảo.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đã gắn kết với doanh nghiệp để thường xuyên trao đổi, cập nhật công nghệ mới. Trung tâm công nghệ cao đã hoàn thành, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại đồng bộ.

Đây là điều kiện thuận lợi giúp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và chất lượng đào tạo cho sinh viên học sinh, xây dựng mối quan hệ bền vững với doanh nghiệp. Tiếp tục phát triển mô hình đào tạo kép để gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực.

Việc này giúp doanh nghiệp thuận lợi tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng, sinh viên có cơ hội thực tập tại doanh nghiệp, tiếp cận với môi trường làm việc hiện đại, sáng tạo.

Năm 2020, trường đã tổ chức hội thảo với trên 30 doanh nghiệp tham dự. Hội thảo đóng góp các ý kiến từ nội dung chương trình đào tạo đến thị trường lao động, các kĩ năng, thái độ để người học đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Nhà trường cũng tổ chức đào tạo song hành tại một số doanh nghiệp. Doanh nghiệp tổ chức thi tuyển, cấp học bổng cho sinh viên. Chọn ra các cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phần thi viết và phỏng vấn để trở thành kỹ thuật viên tương lai của doanh nghiệp.

95% sinh viên trường nghề có việc làm, thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/tháng - 3

Doanh nghiệp, nhà trường, cơ quan báo chí - truyền thông ký cam kết hợp tác tại hội thảo.

Ông Giang khẳng định, bên cạnh trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh (BCEC) cũng là một trong những trường đi đầu trên đại bàn trong hoạt động gắn kết 3 nhà.

BCEC đã bắt nhịp với xu hướng đổi mới, đào tạo linh hoạt theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Ninh. Đây là xu hướng tất yếu, yếu tố sống còn, quyết định đến hiệu quả đối với công tác GDNN.

Sự tồn tại của cơ sở GDNN khẳng định chất lượng đào tạo, được doanh nghiệp thừa nhận năng lực và đón nhận. Lúc đó công tác đào tạo nghề mới thực sự có hiệu quả.

Từ năm 2018 đến nay, trường liên tục nhận được các đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Hàng nghìn sinh viên bắt đầu vào học năm thứ 3 sẽ tiếp tục học tập 1 năm theo chương trình đặt hàng để làm ở các vị trí quan trọng như:  tổ trưởng, cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên.

Các doanh nghiệp hỗ trợ học phí và sinh hoạt, đồng thời hỗ trợ một khóa học ngoại ngữ cho sinh viên trong suốt quá trình đào tạo.

Nhờ vậy, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường của BCEC luôn đạt trên 95%. Mức thu nhập trung bình từ 6-12 triệu đồng/tháng, nhiều sinh viên có thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng sau 3 năm làm việc tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp - trường nghề, tuy hai mà là một

Để tiếp tục phát huy hiệu quả gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, ông Đỗ Văn Giang đưa ra một số giải pháp.

Đổi mới tư duy quản trị GDNN, quản trị theo mục tiêu: các cơ sở GDNN phải thay đổi phương thức đào tạo, giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập. Phải quyết liệt tạo ra những đột phá từ trường, khoa, thầy cô, nhóm sinh viên. Đổi mới kích hoạt thực sự chứ không lập ra phong trào.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm đồng hành với doanh nghiệp và cơ sở GDNN: Rà soát chính sách, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện và thay đổi chính sách trong thẩm quyền đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các bộ, ngành cần kết hợp với nhau để có hệ cơ chế chính sách hợp lý.

Cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tăng quyền tự chủ cho nhà trường về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi tài chính.

95% sinh viên trường nghề có việc làm, thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/tháng - 4

Hội thảo có sự tham gia của các đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, UBND tỉnh Bắc Ninh, Tạp chí Cơ khí Việt Nam và các hiệp hội.

Khuyến khích cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo để tăng động lực phát triển; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Đồng thời, giám sát và quản lý chất lượng GDNN khi doanh nghiệp và nhà trường cùng tổ chức đào tạo.

Tăng cường đầu tư để thúc đẩy nhanh, mạnh mẽ đề án khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.

"Doanh nghiệp và cơ sở GDNN cần phối hợp chặt chẽ với nhau. Đã đến lúc tuy hai mà một. Vì tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn lực này", Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý đến việc tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các hiệp hội, tập đoàn trong các hoạt động GDNN tại Bắc Ninh; tạo sự gắn kết bền vững hơn trong liên kết 4 nhà "Nhà trường - Nhà doanh nghiệp - Nhà nước - Nhà hiệp hội".

Thực hiện xây dựng, thẩm định: quy định khối kiến thức tối thiểu, định mức kinh tế kỹ thuật, danh mục thiết bị tối thiểu, tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia, kiểm định chất lượng GDNN, tham gia thúc đẩy gắn kết doanh nghiệp, hoạch định quy hoạch chính sách, cơ chế, chiến lược phát triển GDNN.

Theo Quang Trường/dantri.com.vn - 19/4/2021

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/95-sinh-vien-truong-nghe-co-viec-lam-thu-nhap-tu-6-12-trieu-dongthang-20210419023514220.htm