Mùa nắng nóng là thời tiết thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, đặc biệt là thực phẩm rất dễ bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh, nếu ăn phải có thể bị ngộ độc...
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) hay gặp ở cộng đồng và có thể có nhiều người cùng mắc trong cùng gia đình hoặc trong cùng bữa tiệc hoặc trong cùng đơn vị do ăn chung các loại thức ăn ô nhiễm. NĐTP có thể do thực phẩm bị nhiễm hóa chất (hóa chất dùng trong tăng trưởng cây trồng, trong diệt côn trùng, sâu bọ hoặc hóa chất dùng trong bảo quản thực phẩm, chế biến thực phẩm) hoặc do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, vi nấm, và virus). NĐTP còn có thể do ăn thịt cóc, ăn dứa, ăn sắn, nấm độc...
Thực phẩm rất dễ bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là các loại thực phẩm chín (thịt nướng, chả nướng), chế biến sẵn (xúc xích, lạp sườn, patê...), rau sống... Có rất nhiều loại vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm trong đó phải kể đến vi khuẩn, đáng sợ nhất là vi khuẩn thương hàn, lỵ, tụ cầu vàng (tụ cầu vàng có ngoại độc tố gây ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm). Thời gian gần đây, ngộ độc thực phẩm do loại trực khuẩn Clostridium botulinum gây ra là đáng sợ hơn cả, bởi tính độc và gây nguy hiểm đến tính mạng của nó gặp phải do ăn thực phẩm đóng hộp. Đây là loại vi khuẩn kỵ khí (phát triển không cần có oxy) và có ngoại độc tố cực mạnh, đặc biệt ảnh hưởng rất xấu đến hệ thần kinh. Đây là loại độc tố mạnh nhất từng biết đến với liều lượng gây chết người (khoảng 1,2-1,3ng/kg khi tiêm và 10-13ng/kg khi hít vào). Có 7 loại độc tố botulinum chính là A, B, C, D, E, F, G. Trong đó, A và B có khả năng gây bệnh cho người, chiếm 98,7% các trường hợp.
Mùa hè nắng nóng là thời tiết thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dễ gây NĐTP.
Nhận biết ngộ độc thực phẩm
Trước hết là biểu hiện bệnh ở đường tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy), có thể có các biểu hiện của mất nước (thường có khát nước), sốt... Nếu ngộ độc do độc tố mạnh hoặc do hóa chất, có thể có triệu chứng ngộ độc thần kinh (nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng, tê, liệt cơ, co giật, đau đầu), tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở, trụy tim mạch. Đại tiện có thể có máu hoặc chất nhày trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (tức ngực...). NĐTP đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém, người có bệnh lý tim mạch.
Cần lưu ý là đối với NĐTP do độc tố của vi khuẩn C. botulinum thì buồn nôn và nôn ói luôn xảy ra. Tình trạng này không phải do tác động tại ruột mà là do độc tố botulinum tác động lên hệ thống thần kinh trung ương. Sau nôn ói là rối loạn thị giác xuất hiện rất sớm bởi giảm sự điều phối của cơ mắt gây hiện tượng nhìn đôi (nhìn 1 hóa 2), mệt mỏi, chóng mặt kèm theo tiêu chảy, đau bụng. Trong một số trường hợp, có thể các cơ hô hấp bị liệt và phải tiến hành hô hấp nhân tạo, dùng máy trợ thở. Bệnh thường xảy ra từ 6-24 giờ, có thể vài giờ hoặc vài ngày tùy theo lượng độc tố vào cơ thể.
Phòng và ngăn chặn ngộ độc thực phẩm
Bạn cần hiểu biết về nguy hại của các loại thực phẩm nhiễm bẩn (ôi, thiu), nhất là các loại thực phẩm chế biến sẵn, rau sống, quả tươi không đảm bảo vệ sinh (thịt, xúc xích, patê, dưa chuột làm nhân bánh mì).
Cần ăn chín (thức ăn không ôi, thiu, thức ăn không để quá 2 giờ sau chế biến) và uống nước đã được đun sôi, không ăn rau sống. Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn hoặc có hiện tượng phồng (có vi khuẩn sinh hơi, có thể là C.botulinum). Các loại quả tươi (nho, táo,...) phải ngâm vào nước sạch và rửa thật sạch trước khi ăn. Không nên ăn rau sống kể cả các loại rau ăn kèm trong nhân bánh mì, phở, bún chả, thịt nướng, thịt chó (dưa chuột, hành, rau mùi, rau thơm, mơ lông). Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo. Các loại thực phẩm cần phải nấu chín, khi chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn muốn giữ lại, chỉ để ở nhiệt độ của phòng không quá 2 giờ và sau đó cần cho vào bảo quản ở tủ lạnh. Những loại thực phẩm hoặc thức ăn chín khi nghi ngờ không đảm bảo chất lượng và vệ sinh thì tuyệt đối không mua.
Những người trồng rau, quả và kinh doanh thực phẩm tươi sống cần tuân thủ tuyệt đối nghiêm ngặt các khâu trong dùng hoá chất để nuôi trồng, chăm bón và bảo quản thực phẩm, không vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 3/6/2021
https://suckhoedoisong.vn/canh-giac-ngo-doc-thuc-pham-ngay-he-n194050.html