Cập nhật: 22/10/2021 09:22:00
Xem cỡ chữ

Tại các Kỳ Đại hội Đảng trước đây, khái niệm chuyển đổi số, kinh tế số chưa được nhắc đến, thì tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nội dung này đã được đề cập đến nhiều lần cả trong mục tiêu và chiến lược với kỳ vọng chuyển đổi số sẽ tạo ra bứt phá cho các địa phương cũng như đất nước trong những năm tiếp theo.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về chuyển đổi số, Vĩnh Phúc với quan điểm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nhanh và bền vững. Đến nay, các hệ thống ứng dụng CNTT của tỉnh đã và đang được đầu tư, triển khai rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về lĩnh vực chuyển đổi số, trong đó phê duyệt và thông qua đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số giai đoạn 2021- 2025; phê duyệt kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh phiên bản 1.0. Vĩnh Phúc tập trung một số giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trong thời gian tới, trong đó chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm môi trường, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh; phát triển kinh tế số 8 lĩnh vực ưu tiên theo quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển xã hội số với đào tạo nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ, doanh nghiệp và người dân; phát triển hạ tầng số và bảo đảm an toàn thông tin./.

Ngọc Anh