Cập nhật: 05/11/2021 14:28:00
Xem cỡ chữ

Ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc xác định, làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế.

Trong năm qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với ngành Giáo dục cả nước, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, ngành Giáo dục tỉnh này đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, an toàn của học sinh, giáo viên lên trên hết; đồng thời thực hiện tạm dừng đến trường, không dừng học.

Bên cạnh đó, ngành đã chỉ đạo các nhà trường dạy học qua internet, các tiết học tại các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã có sự đan xen giữa lời giảng truyền thống, kết hợp với những thiết bị công nghệ thông minh với các hình ảnh minh họa sinh động. Mục đích của việc này là tạo hứng khởi cho học sinh trong suốt quá trình học tập.

Vĩnh Phúc tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Giáo dục

Vĩnh Phúc tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Giáo dục

Đồng thời, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho các học sinh, giáo viên trong quá trình dạy học qua internet; ban hành kịp thời hướng dẫn tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II để các địa phương kịp thời thực hiện.

Các nhà trường đã chủ động và thích ứng nhanh với diễn biến, dịch bệnh, áp dụng sinh động và hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy. Qua việc giảng dạy trực tuyến, cho thấy năng lực sử dụng CNTT của các thầy cô giáo đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, việc dạy học online đã trở thành một hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Đặc biệt, mới đây ngành Giáo dục Vĩnh Phúc còn tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử” nhằm xây dựng kho học liệu số ngành giáo dục. Qua đó, đẩy nhanh hơn nữa các kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số và kỹ năng tham gia các hoạt động dạy, học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Ngành Giáo dục Vĩnh Phúc xác định, làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.

Với quy mô hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành giáo dục xác định thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại Đại hội Đảng XIII cũng từng cho biết, trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành giáo dục xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Các giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học bảo đảm 100% các cơ sở giáo dục cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, kết nối liên thông với nền tảng số quốc gia; khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành; các phần mềm quản lý, dạy và học trong nhà trường.

Phát triển tài nguyên số và môi trường học tập số, bổ sung vào kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung trong toàn ngành, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số và kỹ năng tham gia các hoạt động dạy, học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh.

Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục, ưu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp mức độ 3, mức độ 4; thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; các loại hồ sơ, sổ sách, học bạ điện tử trong nhà trường; tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý hành chính điện tử trao đổi văn bản điện tử, chữ ký số liên thông giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Chính phủ, các cơ quan, địa phương, cơ sở giáo dục và các tổ chức cá nhân có liên quan.

Bộ trưởng cho hay, Mục tiêu của ngành giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Từ đó, góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới.

Hà Lan/vietnamnet.vn - 5/11/2021

https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/vinh-phuc-tich-cuc-day-manh-chuyen-doi-so-nganh-giao-duc-789536.html