Cập nhật: 14/12/2021 09:55:00
Xem cỡ chữ

Từ nhiều năm nay, các nghề truyền thống đã mang lại những giá trị to lớn và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh.

Các sản phẩm của nghề, làng nghề truyền thống luôn lưu giữ những giá trị văn hoá riêng, độc đáo của người dân Vĩnh Phúc và góp phần quan trọng giải quyết việc làm tại chỗ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, nhiều làng nghề đang dần bị mai một, mất dần chỗ đứng trên thị trường có nguy cơ thất truyền. Trước những nguy cơ này, Chi cục Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc cùng các địa phương đang từng bước tháo gỡ những khó khăn, nhằm bảo tồn và thúc đẩy các nghề truyền thống phát triển.

Những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa, đưa nông thôn Vĩnh Phúc từng bước phát triển. Toàn tỉnh hiện có 28 làng nghề và 08 nghề truyền thống được công nhận. Hiện nay, các nghề, làng nghề truyền thống đều đã và đang duỳ trì phát triển tốt; một số nghề, làng nghề truyền thống mang bản sắc văn hoá với lịch sử lâu đời như: Nghề gốm và nghề cháo se, bánh hòn ở Thị trấn Hương Canh; nghề cá thính ở xã Tiên Lữ; nghề mộc, rèn ở Vĩnh Tường...

Đã hơn 50 năm gắn bó với nghề gốm Hương Canh do cha ông để lại, dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng bà Giang Thị Nhạn, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên vẫn đam mê với nghề. Hiện nay bà là một trong số ít người dân tại thị trấn Hương Canh còn theo nghề làm gốm truyền thống. Để bảo tồn nghề gốm có tuổi đời gần 400 năm của quê hương, bà Nhạn đã không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, mở xưởng làm gốm thủ công. Không chỉ phát triển nghề gốm, quảng bá nghề gốm qua những sản phẩm làm ra, bà còn nỗ lực truyền dạy nghề cho người dân trong làng và tham gia giảng dạy tại nhiều lớp truyền nghề tại địa phương. Năm 2013, để ghi nhận những đóng góp của bà trong việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của cha ông, UBND tỉnh đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nghề gốm, bà Nhạn càng thấy trách nhiệm của mình với những giá trị mà cha ông để lại.

Nghề mộc là nghề truyền thống có mặt ở nhiều nơi trong tỉnh. Nghề mộc có lịch sử hình thành cách đây hàng trăm năm và được các thế hệ truyền nối, phát triển tạo thành những thương hiệu nổi tiếng như mộc Thanh Lãng; mộc Yên Phương; mộc Bích Chu, Thủ Độ; mộc Lý Nhân.... Các làng nghề mộc truyền thống này phát triển và đã tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động trong tỉnh. Để gìn giữ và phát triển nghề mộc, nhiều hộ làm nghề đã đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, cải tiến mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tại nhiều địa phương, mặc dù nghề truyền thống không phải là thu nhập chính, nhưng lại giải quyết việc làm lúc nông nhàn, tận dụng lao động các lứa tuổi để cải thiện thu nhập cho người dân. Như nghề mây tre đan truyền thống tại xã Cao Phong, huyện Sông Lô và xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch được xem là nghề phụ làm lúc nông nhàn. Phát huy nghề truyền thống lâu đời và tận dụng những vật liệu sẵn có tại địa phương, những người dân ở đây đã làm nên những chiếc rổ, rá, nong nia phục vụ sinh hoạt hàng ngày và làm ra cả những sản phẩm mỹ nghệ phục vụ cho xuất khẩu.

Với 3 nghề truyền thống vừa được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Nghề truyền thống của tỉnh, nghề làm cá thính, bánh gạo rang và tương nếp ở xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch từ nhiều năm nay cũng trở thành những nghề phụ đem lại thu nhập chính cho nhiều người dân trong xã. Không chỉ đem lại việc làm lúc nông nhàn, việc phát triển các nghề truyền thống vốn xưa nay chỉ phục vụ sinh hoạt trong gia đình thành sản phẩm thương mại đã góp phần bảo tồn và quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương Tiên Lữ.

Có thể khẳng định, việc phát triển nghề truyền thống đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại mỗi địa phương. Các nghề truyền thống đã tạo được nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Với những giá trị mà nghề truyền thống đem lại, công tác bảo tồn nghề cũng được các cấp, các ngành và nhiều địa phương có nghề quan tâm. Để bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống, những năm qua, Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu, tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi để công nhận nghệ nhân, thợ giỏi ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nông thôn. Đến nay, tỉnh đã công nhận và phong danh hiệu cho 23 nghệ nhân và 186 thợ giỏi cấp tỉnh ở các nghề hiện có. Việc công nhận những danh hiệu này đã kịp thời tôn vinh, động viên những người yêu nghề, tâm huyết với công tác bảo tồn những giá trị văn hóa của các nghề truyền thống.

Vừa qua, được sự thừa uỷ quyền của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định công nhận 8 nghề và 1 làng nghề truyền thống cho các địa phương. Đây là lần đầu tiên tỉnh Vĩnh Phúc công nhận các nghề truyền thống. Điều này giúp các địa phương lưu giữ các giá trị văn hóa đặc trưng, đồng thời, mở ra cơ hội giúp các hộ làm nghề quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Không thể phủ nhận những giá trị văn hóa, giá trị kinh tế mà các nghề truyền thống đem lại đối với sự phát triển của chung của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều năm nay, lĩnh vực ngành nghề nông thôn của tỉnh gần như bị bỏ ngỏ, công tác bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Mặc dù nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đa dạng và có nhiều giá trị văn hóa nhưng hiện tỉnh chưa có kinh phí cho công tác bảo tồn, truyền nghề, dạy nghề; chưa có nơi lưu giữ, quảng bá sản phẩm các làng nghề, cũng như chưa có các dự án cải tiến kỹ thuật cho người làm nghề. Do vậy, một số nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một như nghề gốm Hương Canh, nghề đá Hải Lựu...

Những khó khăn trên đang đặt ra cho các cấp, các ngành và các địa phương cần kịp thời xây dựng những chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển làng nghề. Trước mắt, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đang tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch hỗ trợ triển khai ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất ở các làng nghề; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hoá; bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất tích cực tham gia vào chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh.

Để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, bên cạnh sự hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan và chính quyền địa phương thì cũng rất cần sự nỗ lực từ phía các làng nghề, các nghệ nhân trong việc thay đổi tư duy, nắm bắt nhu cầu thị trường để từ đó giữ gìn và phát triển thương hiệu các sản phẩm của làng nghề, giúp các làng nghề phát triển bền vững./.

Hà Giang