Cập nhật: 23/12/2021 08:12:00
Xem cỡ chữ

Thời gian qua, TP Hà Nội và hai tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thời gian tới các địa phương tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, coi đây là giải pháp trọng tâm nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Hoạt động tác nghiệp tại Phòng Công nghệ thông tin, Cục Thuế TP Hà Nội.Ảnh: MAI LAN

Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, tiến tới chính quyền số là mục tiêu lớn mà các địa phương đang ráo riết thực hiện. Trong đó, người dân là đối tượng được thụ hưởng lớn nhất khi các chương trình này thực hiện thành công.

Hướng tới cơ quan nhà nước “không giấy tờ”

Là tỉnh trung du vùng Đông Bắc Bộ, những năm gần đây, Thái Nguyên là một trong những địa phương dẫn dầu cả nước về lĩnh vực chuyển đổi số. Đầu tháng 12/2021, tỉnh đã khai trương nền tảng xã hội số ThaiNguyen ID với các chức năng, ứng dụng rộng rãi như: Kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân, định danh người dân Thái Nguyên trên không gian số, thực hiện các dịch vụ công một cửa, giúp tăng cường sự tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, nền tảng này hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tìm kiếm, tuyển dụng việc làm trực tuyến, nhu cầu cuộc sống, theo dõi việc thực hiện dịch vụ công online.

Trước đó, tháng 6/2021, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên đưa vào vận hành 11 nền tảng công nghệ số, trong đó, phần mềm ứng dụng công dân Thái Nguyên “C-ThaiNguyen” đã có gần 200 nghìn lượt cài đặt, sử dụng, góp phần làm tốt công tác quản lý của các ngành, chính quyền địa phương. Qua ứng dụng này, tỉnh đã kịp thời hỗ trợ cho hơn 11.699 người Thái Nguyên ở 22 tỉnh, thành phố phía nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 lần thứ tư với tổng số tiền hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng trong thời gian ngắn. Thủ tục, quá trình xử lý hồ sơ, chuyển tiền hoàn toàn được thực hiện online, rất nhanh chóng và thuận tiện.

Đẩy nhanh chuyển đổi số  -0

Hướng dẫn người dân đăng ký thủ tục hành chính qua mạng tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh.Ảnh: QUANG THỌ 

Nhờ chuyển đổi số tốt, các thủ tục hành chính liên quan người dân, doanh nghiệp được giải quyết nhanh, gọn, năng suất lao động của cán bộ, công chức được nâng lên. Trước đây, Phòng Quản lý vận tải-Phương tiện-Người lái thuộc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên có 20 cán bộ, nay chỉ còn biên chế tám cán bộ nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả công việc. Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Xuân Hòa, việc phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số đã đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Năm 2021, kinh tế Thái Nguyên duy trì mức tăng trưởng 6,56%, cao hơn hai lần bình quân chung cả nước, kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay với khoảng 28 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2020. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số đạt 20% GRDP.

Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, tiến tới chính quyền số là mục tiêu lớn của tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh đang thực hiện lộ trình chuyển đổi số vững chắc để hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử và chuyển mạnh sang xây dựng chính quyền số, hướng tới cơ quan nhà nước “không giấy tờ”. Toàn bộ các thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào Hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết trong phạm vi toàn tỉnh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Lê Ngọc Hân chia sẻ, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng Cổng dịch vụ công-giao tiếp trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính. Với Cổng này, Chủ tịch UBND tỉnh ngồi ở phòng làm việc có thể truy cập vào hệ thống và biết được quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên, thậm chí cả tên của công chức được giao xử lý thủ tục đó. Người dân và doanh nghiệp cũng có thể xem được hồ sơ của mình được giải quyết đến đâu. Kết quả công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong chuyển đổi số được minh chứng qua kết quả bốn năm liên tiếp (2017-2020), Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số PCI.

Tại trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, chuyển đổi số là một giải pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hiện Cục Thuế Hà Nội đã triển khai các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 ở tất cả các khâu trong quá trình quản lý thuế. Với phạm vi đối tượng quản lý thuế ngày càng rộng, số lượng doanh nghiệp lớn, để bảo đảm việc quản lý được tốt, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai hệ thống cấp mã số doanh nghiệp tự động. Nhờ đó, thời gian cấp mã được rút ngắn bình quân 30 phút/1 giao dịch (giảm 87,5% lượng thời gian so với quy định là bốn giờ làm việc).

Đáng chú ý, từ tháng 11/2021, Hà Nội triển khai hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy. Đến nay, đã có hơn 99% số doanh nghiệp tại Hà Nội đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và hơn 70% số hóa đơn đã được phát hành. Nhiều cơ sở quản lý di tích trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, cung cấp tiện ích để quảng bá, thu hút khách, qua đó, giúp các đơn vị thích nghi với tình trạng sống chung với dịch Covid-19.

Tháng 9/2021, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám xây dựng fanpage giới thiệu về Quốc Tử Giám. Trước đó, trung tâm đã đưa vào ứng dụng công nghệ QR Code (mã vạch hai chiều) cho hơn 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại những thông tin cơ bản về hiện vật đó. Làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm) ứng dụng công nghệ VR3D (thực tế ảo) giúp du khách tham quan làng nghề, hòa mình vào lễ hội làng cổ với các phong tục, nghi lễ truyền thống thông qua trải nghiệm không gian ảo...

Tạo giá trị tăng trưởng mới

Dù có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi số, song thực tế vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục trong lĩnh vực này. Thành phố Hà Nội đến nay vẫn còn lúng túng, thiếu sự kết nối và tầm nhìn tổng thể. Thí dụ như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế như quản lý tiêm vắc-xin, xét nghiệm, cách ly và điều trị F0 tại nhà đều có thể ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng đến nay Hà Nội vẫn quản lý theo kiểu thủ công. Hay những lúng túng trong việc cấp giấy đi đường khi thành phố giãn cách xã hội cũng là điển hình của việc chậm ứng dụng công nghệ thông tin.

Tại tỉnh Thái Nguyên, tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng chưa cao, chủ yếu là do nhận thức của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, vẫn giữ thói quen đến trực tiếp các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính. Trong khi đó, tại Quảng Ninh, mục tiêu đặt ra là trở thành một trong những địa phương tốp đầu về chuyển đổi số của quốc gia, nhưng hiện nay tỉnh thiếu nhiều nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao trong lĩnh vực này...

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 xác định, chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, việc phục hồi và phát triển kinh tế phụ thuộc không nhỏ vào kết quả chuyển đổi số quốc gia. Với vai trò Thủ đô của cả nước, tháng 9/2021, thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình “Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong đó thành phố xác định chuyển đổi số là cơ hội để đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu phát triển. Phấn đấu tới năm 2025, Hà Nội sẽ thuộc nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin. Thành phố thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu dựa trên ba trụ cột chính là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp tương ứng gồm: Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng và nền tảng số; thông tin và dữ liệu số; hoạt động chuyển đổi số; an toàn, an ninh mạng; đào tạo và phát triển nhân lực.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên Đỗ Xuân Hòa chia sẻ, thời gian tới, tỉnh hoàn thiện, phát triển Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh để góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển xã hội số, tăng cường kênh thông tin kết nối giữa người dân và chính quyền qua ứng dụng C-ThaiNguyen. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số trong các hoạt động, giao dịch thường ngày.

Mục tiêu của chuyển đổi số đến năm 2025 mà Quảng Ninh hướng đến là tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế-xã hội. Để thực hiện được mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành khẳng định tỉnh đẩy nhanh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền số quản trị dựa trên dữ liệu số, hướng tới xây dựng chính quyền thông minh. Từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên-văn hóa-con người. Tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Hương Trâm và Thọ Bình/nhandan.vn

https://nhandan.vn/khoahoc-congnghe/day-nhanh-chuyen-doi-so--679434/