Cập nhật: 24/12/2021 08:54:00
Xem cỡ chữ

Từ một huyện thuần nông, hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, nhờ vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chính sách của Trung ương và của tỉnh, sau 25 tái lập, đến nay, huyện Bình Xuyên đã trở thành huyện trọng điểm công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao; diện mạo từ nông thôn đến đô thị có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, tạo đà để huyện trở thành thị xã Bình Xuyên vào năm 2025.

Theo Nghị định số 36 ngày 9/6/1998 của Chính phủ về việc chia tách huyện Tam Đảo thành hai huyện Bình Xuyên và Tam Dương, ngày 01/9/1998, huyện Bình Xuyên được tái lập. Hội tụ đủ những yếu tố thuận lợi về thổ nhưỡng, vị trí địa lý để phát triển công nghiệp, ngay từ những ngày đầu tái lập, Bình Xuyên đã được tỉnh xác định là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện các khóa đã ban hành các nghị quyết về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nhờ đó trong nhiều nhiệm kỳ qua, Bình Xuyên luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, vững chắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng.

Kiên định với con đường phát triển công nghiệp, huyện Bình Xuyên đã từng bước quy hoạch các khu, cụm công nghiệp. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, các cấp uỷ Đảng đã lãnh, chỉ đạo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Đặc biệt trong năm 2021, huyện Bình Xuyên đã cơ bản hoàn thành xong công tác giải phòng mặt bằng Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc do Liên danh Tập đoàn T&T- YCH Group - YCH Holdings đầu tư xây dựng tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi. Dự án được xây dựng, đưa vào hoạt động không chỉ tạo điểm nhấn cho đô thị Bình Xuyên trong tương lai mà sẽ đặt nền móng vững chắc, khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng về phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, nhất là dịch vụ Logistics của huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, các tỉnh trên hành lang kinh tế Hà Nội – Lào Cai nói chung.

Với những bước đi bài bản, vững chắc trong phát triển công nghiệp, nhất là tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, những năm qua, Bình Xuyên luôn là địa phương dẫn đầu tỉnh cả về số khu công nghiệp lẫn số dự án đầu tư, nhất là dự án FDI. Từ 1 Khu công nghiệp Bình Xuyên đầu tiên vào năm 2004 đến nay, toàn huyện có 7 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô gần 1.900ha. Trong đó, có 6 khu công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư gồm: Khu công nghiệp Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II, Bá Thiện II, Sơn Lôi và Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc với tổng vốn đăng ký đầu tư các dự án hạ tầng trên 3.250 tỷ đồng và gần 160 triệu USD. Hầu hết các Khu công nghiệp đều được đầu tư bài bản, đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp. Nhờ vậy, dòng vốn đầu tư FDI, DDI chảy vào các khu công nghiệp ở Bình Xuyên liên tục tăng.

Là doanh nghiệp đặt nền móng đầu tiên tại KCN Bình Xuyên, Công ty Cổ phần Prime Vĩnh Phúc (tiền thân của Tập đoàn Prime) được thành lập vào năm 1999. Trải qua quá trình hơn 20 năm phát triển, từ 1 nhà máy với 1 dây truyền sản xuất công suất 2 triệu mét vuông mỗi năm, tạo việc làm cho 120 lao động, đến nay, doanh nghiệp đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát hàng đầu ở Việt Nam với 16 công ty con, trong đó có 7 công ty đặt tại huyện Bình Xuyên, tạo việc làm cho 4.000 lao động, đóng góp không nhỏ vào ngân sách Nhà nước.

Đến nay huyện Bình Xuyên đã có hơn 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Trong đó có 248 dự án FDI, tổng vốn đăng ký hơn 3.945 triệu USD; 49 dự án DDI, tổng vốn đăng ký khoảng 4.177 tỷ đồng. Riêng năm 2021, huyện Bình Xuyên thu hút được 18 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 816 triệu USD và 5 dự án DDI, tổng vốn đăng ký trên 512 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tăng đều theo từng năm, trong đó, 2 Khu công nghiệp là Bình Xuyên II và Bá Thiện II giai đoạn I đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Các sản phẩm công nghiệp là thế mạnh của Bình Xuyên như sản xuất gạch ốp lát, ống thép, xe máy, phụ tùng xe máy, linh kiện điện tử phát triển ổn định, sản lượng sản xuất và tiêu thụ khá, hàng năm giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động và đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương.

Với chủ trương đúng đắn, sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực đầu tàu công nghiệp đã tạo động lực kéo theo sự phát triển kinh tế chung của huyện, giá trị sản xuất bình quân hàng năm của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước. Giá trị sản xuất trên địa bàn năm 1999 đạt trên 225 triệu đồng, đến năm 2021, giá trị sản xuất đạt trên 166 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

- Năm 1998: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 6%; nông - lâm - thủy sản chiếm 87%; thương mại - dịch vụ chiếm 7%

- Năm 2000: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 18%; nông - lâm - thủy sản chiếm 65%; thương mại - dịch vụ chiếm 17%

- Năm 2005: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 83%; nông - lâm - thủy sản chiếm 11%; thương mại - dịch vụ chiếm 6%

- Năm 2021: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 95,97%, nông - lâm nghiệp - thuỷ sản: 1,02%, dịch vụ: 3,01%.

Năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt trên 1.700 tỷ đồng (tăng 305 lần so với năm 1999). Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 58 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ đó công tác xóa đói, giảm nghèo đã đạt được kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo năm 1998 là 12,6%, hộ đói 2,7%; đến năm 2017 giảm xuống còn 2,09%, hộ cận nghèo còn 2,49%, không còn hộ đói. Hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều còn 0,71%. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được chú trọng thực hiện, các chính sách đối với người có công, gia đình thương binh, liệt sỹ, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Kinh tế phát triển, nhiều công trình, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đã được đầu tư làm thay đổi toàn bộ diện mạo đô thị, nông thôn của huyện. Huyện đã lập Đề án trình cấp có thẩm quyền công nhận Bình Xuyên đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Đến nay, huyện có 5 thị trấn và có 6 đơn vị được công nhận là đô thị loại V. Trong thực hiện phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới; năm 2016 huyện Bình Xuyên trở thành 1 trong 2 đơn vị đầu tiên của Vĩnh Phúc đã đạt chuẩn nông thôn mới, được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba trong phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Cùng với phát triển kinh tế, Bình Xuyên đã đạt nhiều thành tích trong các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục, an ninh quốc phòng. Đặc biệt là địa phương đầu tiên của cả nước cũng như của tỉnh hứng chịu sự tấn công của dịch bệnh Covid-19, Bình Xuyên đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để khống chế dịch bệnh, không để dịch bệnh có cơ hội lây lan, xâm nhập vào các khu công nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch đến phát triển kinh tế xã hội.

Thời gian tới, huyện Bình Xuyên tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông các tuyến đường kết nối các Khu CN và cụm công nghiệp; tích cực cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Chặng đường 25 năm qua, cùng với sự phát triển của tỉnh, huyện Bình Xuyên đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo; sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện, Bình Xuyên sẽ vững vàng trên con đường đổi mới, xứng tầm huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh./.

Phương Liên