Cập nhật: 29/12/2021 09:38:00
Xem cỡ chữ

Sông Lô là huyện miền núi, địa hình phức tạp, xuất phát điểm kinh tế thấp, hạ tầng chưa đồng bộ, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, quyết liệt của huyện ủy và chính quyền, sự đồng thuận, nỗ lực, chung sức, chung lòng của Nhân dân trong huyện, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, tạo sức bật để Sông Lô đổi mới, phát triển bền vững.

Để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ huyện ủy Sông Lô đã cụ thể hóa các mục tiêu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ bằng các chương trình, đề án cụ thể, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 10%/năm; cơ cấu kinh tế, chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Công nghiệp, xây dựng chiếm 48,74%; thương mại, dịch vụ chiếm 28,40%; nông, lâm, thủy sản chiếm 22,86%. Quy mô nền kinh tế của huyện hiện nay đã tăng lên hơn 6 lần so với năm 2009, giá trị sản xuất năm 2021 đạt trên 6.000 tỷ đồng.

Xác định hạ tầng phải đi trước, mở đường cho phát triển, huyện Sông Lô đã huy động nguồn lực đầu tư giải phóng mặt bằng, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào địa bàn huyện.

Cùng với đó, huyện đã tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch, đã hoàn thành quy hoạch chung đô thị Đức Bác, Lãng Công, Hải Lựu; quy hoạch chi tiết 02 cụm công nghiệp Đồng Thịnh và Hải Lựu; quy hoạch chi tiết đất dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại xã Đức Bác và Lãng Công; quy hoạch phát triển công nghiệp - dịch vụ 2 bên trục đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa bàn huyện; quy hoạch chung phát triển du lịch - dịch vụ khu vực Núi Sáng - hồ Bò Lạc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Phát huy thế mạnh về đất đai, để phát triển nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 01 về thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo; Chỉ thị số 10 năm 2017 về tiếp tục thực hiện việc dồn thửa, đổi ruộng. Đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Vì vậy, năng suất lúa bình quân đạt trên 54 tạ/ha; sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 40.000 tấn. Bước đầu hình thành vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích như trồng ổi ở xã Đôn Nhân; hoa, cây cảnh ở Đức Bác; Chăn nuôi phát triển cả về chất lượng và số lượng. Nhiều con giống có chất lượng tốt được đưa vào sản suất; nhiều gia trại chăn nuôi tập trung được hình thành, có quy mô lớn và phương thức chăn nuôi hiện đại, như chăn nuôi lợn ở Lãng Công, Hải Lựu, Đồng Quế, Đôn Nhân. Nuôi gà ở Lãng Công, Phương Khoan. Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được quan tâm chỉ đạo.

Tiểu thủ công nghiệp được duy trì phát triển, tập trung ở các lĩnh vực khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng; may, đồ gỗ, kim khí, đá mỹ nghệ, mây tre đan truyền thống. Ngoài 02 làng nghề là mây tre đan xã Cao Phong, chạm khắc đá xã Hải Lựu, Sông Lô đã phát triển thêm 2 làng nghề nuôi rắn tại xã Bạch Lưu. Ngành thương mại, dịch vụ từng bước phát triển, thị trường hàng hóa phong phú, chất lượng được nâng lên, đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và đời sống của Nhân dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai sâu rộng. Đến nay 100% số xã của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 08/09 tiêu chí huyện nông thôn mới. Huyện tiếp tục chỉ đạo các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời tập trung chỉ đạo hoàn hành các tiêu chí để phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, huyện Sông Lô luôn quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo. Hệ thống mạng lưới trường lớp từ mầm non đến phổ thông được đầu tư hoàn chỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại phù hợp với từng cấp học. 100% các trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 35% các trường đạt chuẩn mức độ 2; 90% đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Kết quả thi học sinh giỏi các cấp, đặc biệt là học sinh đạt giải ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia hằng năm đều tăng. Tỷ lệ học sinh đến trường các bậc học đạt trên 98%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đạt trên 98%; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng đạt cao.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đầu tư. Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở được tăng cường, triển khai nhiều kỹ thuật y tế mới, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được nâng lên. Thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 6,4 bác sỹ. Bảo hiểm y tế được triển khai thực hiện tốt đến các đối tượng, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%.

Lĩnh vực Văn hóa, thể thao được huyện Sông Lô quan tâm đầu tư, phát triển toàn diện, các thiết chế văn hóa được tăng cường, thực hiện tốt việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Trong 5 năm có 10 di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nâng tổng số di tích cấp tỉnh lên 27 di tích. Di tích Tháp Bình Sơn được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Hát Trống quân Đức Bác được công nhận di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở được quan tâm đầu tư; 100% các xã, thị trấn có nhà văn hóa xã và trung tâm văn hóa, thể thao. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng, tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm đạt 87,4%; thôn, làng văn hóa đạt 93%.

Song song với quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, huyện Sông Lô luôn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Mỗi năm giới thiệu và giải quyết việc làm cho trên 2.100 lao động, trong đó xuất khẩu 1.383 lao động; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 97%; tỷ lệ lao động qua đào tạo hằng năm đều tăng. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được chú trọng thực hiện, các chính sách đối với người có công, gia đình thương binh, liệt sỹ, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững được lồng ghép với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo đến nay giảm còn 1,75%.

Thành tựu đạt được trong thời gian qua đã tạo nên sung lực mới làm thay đổi sâu sắc kinh tế xã hội huyện Sông Lô, là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tạo động lực để Sông Lô vững bước trên đường đổi mới, phát triển nhanh và bền vững./.

Đặng Thưởng