Một trong những nhân tố làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển chính là các bến bãi đón Đoàn tàu không số. Ban đầu, việc xây dựng bến bãi được xác định theo 3 phương án: Đưa hàng hóa lên các đảo trong vịnh Thái Lan, sau đó dùng thuyền nhỏ tăng bo vào đất liền; thả và neo hàng ở những vùng biển cạn rồi đưa tàu trục vớt vào bờ; lấy khu vực ven biển tổ chức các cụm bến (thực chất là xây dựng các căn cứ tương đối hoàn chỉnh để tiếp nhận tàu chở vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc vào).
Tuy nhiên, qua trinh sát thực tế cho thấy: Nếu thực hiện hai phương án đầu thì công tác tổ chức sẽ rất phức tạp, dễ bị thất thoát hàng hóa và cũng rất dễ bị lộ cả tuyến đường. Vì vậy, phương án mở bến ven bờ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn vì qua nghiên cứu thực tế, tại các bờ sông Bồ Đề, Rạch Gốc, Vàm Lũng, Kiến Vàng, tàu có trọng tải 30 hoặc hơn 30 tấn sẽ vào được. Việc tổ chức chỗ đậu tàu, lên hàng, xây dựng các kho chứa hay đường vận chuyển hàng ra chiến trường đều thuận lợi.
Đoàn 962 (nay là Lữ đoàn 962, Quân khu 9) đảm nhiệm đón, đưa những con tàu không số từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Tây Nam Bộ. Dưới sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 962 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và ác liệt của chiến trường, xây dựng thành công 4 bến bãi ở các tỉnh: Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo thống kê, từ tháng 10-1962 đến đầu năm 1967, ở cả 4 cụm bến tại Nam Bộ, từ Cà Mau đến Bà Rịa-Vũng Tàu, Đoàn 962 đã tiếp nhận 124 chuyến tàu, với hơn 6.600 tấn vũ khí.
|
Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam. (Ảnh tư liệu).
|
Thành tích trên là nhờ sự ủng hộ, đùm bọc, sẻ chia khó khăn của nhân dân những nơi có bến bãi đón tàu, tiếp nhận và vận chuyển vũ khí. Ngay từ khi mới mở bến, bộ đội được bà con chia sẻ đặc điểm địa hình để khảo sát, ví như: Nơi biển nông-sâu, quy luật thủy triều, ngày giờ cập bến thuận tiện, luồng lạch ven biển và trong rừng, nơi nào làm kho an toàn và tiện lợi... Trong mọi tình huống nguy hiểm đối mặt với quân thù, người dân các địa phương luôn sát cánh cùng Đoàn 962 bảo vệ an toàn bến bãi, kho vũ khí, bảo vệ an toàn các chuyến tàu không số vào bến và xuất bến. Điển hình là vào năm 1963, địch mở chiến dịch “Sóng tình thương”, càn quét các vùng ven biển từ sông Gành Hào đến Khai Long (tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau hiện nay). Được lực lượng cách mạng tuyên truyền, vận động, hơn 1.000 hộ dân đã tình nguyện di dời ra các vùng lân cận để xây dựng bến bãi dã chiến. Có những người dân ở Tân Ân, Rạch Gốc (Cà Mau) bị địch bắt tra khảo, đánh đập dã man, nhưng dù biết những khu rừng đước có kho giấu vũ khí vẫn quyết không khai báo; hay có những người dân phát hiện thám báo, biệt kích trà trộn trong dân để dò la bến bãi, đã báo với đơn vị chốt giữ của Đoàn 962 bắt giữ.
"Thế trận lòng dân" đã bảo vệ, giữ gìn an toàn cho các khu rừng làm kho tàng, làm bến bãi tiếp nhận và vận chuyển vũ khí. Mỗi khi có “hàng” là nhân dân hết lòng hết sức cùng bộ đội dùng xuồng ba lá, xuồng chèo tay tiếp nhận, vận chuyển vũ khí từ tàu không số ngoài biển đến kho, bãi an toàn. Cũng từ các kho, bãi này, nhờ sức dân và kinh nghiệm của nhân dân về các con sông, luồng lạch đã góp phần quan trọng vận chuyển vũ khí về các chiến khu nhanh chóng, an toàn. Ví như, khi cần vận chuyển qua những nơi địch kiểm soát gắt gao, nhân dân đã tạo ra thuyền hai đáy bí mật giấu vũ khí, hoặc ngụy trang vũ khí trong hàng hóa... phục vụ quân và dân miền Nam đánh Mỹ.
Theo KHƯU NGỌC BẢY/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/ben-cang-cua-the-tran-long-dan-682068