Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp thì việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất.
Cùng với đó sẽ giảm được chi phí, tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này hiện vẫn đang triển khai còn khá chậm.
Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình… đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, kinh doanh; phân tích dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thời tiết, truy xuất nguồn gốc theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số.
Mặt khác, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số, thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logistics, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nêu thực tế: “Chuyển đổi số đối với nông nghiệp hiện nay vẫn còn đang khá chậm, một nền sản xuất nông nghiệp hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, nhưng với nhược điểm cố hữu nhỏ lẻ, manh mún, phân tán. Do đó muốn nâng cao giá trị lao động cho người nông dân rõ ràng giải pháp quan trọng là phải chuyển đổi số trong nông nghiệp. Vì vậy để thực hiện được vấn đề này thì cần có một giải pháp cụ thể chứ không thể là một phong trào”.
Các chuyên gia rằng, để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp cần tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển đổi số phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Tất cả các quá trình tham gia vào chuyển đổi số từ cơ quan hoạch định chính sách đến từng người dân, doanh nghiệp, viện nghiên cứu… cần phải chung tay để thực hiện công cuộc chuyển đổi số. Cùng với đó, các dữ liệu cơ bản là cực kỳ quan trọng- đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, có các dữ liệu là đất đai, khí hậu, vật nuôi, cây trồng, tất cả các dữ liệu này rất quan trọng nhằm tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, do đó rất cần phải hoàn thiện trong thời gian tới”./.
Theo Thúy Hằng/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/day-manh-chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-de-nang-cao-chuoi-gia-tri-post915752.vov