Dịch Covid-19 khiến khoảng 10 triệu người dân ở nông thôn bị giãn cách xã hội, song vẫn có thể kinh doanh nông sản nhờ vào việc ứng dụng công nghệ.
Năm 2021 để lại nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành nông nghiệp, song đại dịch Covid-19 dường như tạo nên “sức bật” cho quá trình chuyển đổi số ở nông thôn trở nên mạnh mẽ hơn.
Tăng cường livestream, kết nối công nghệ để bán hàng
Vượt qua những khó khăn, thách thức vì dịch Covid-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu,… năm 2021 ngành nông nghiệp đã đạt giá trị gia tăng toàn ngành khoảng 2,9%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 68%, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản dự kiến đạt 47,5 tỷ USD trong khi kế hoạch được giao ban đầu là 42 tỷ USD. Đây là minh chứng rõ nét cho việc ứng dụng khoa học công nghệ cùng nền tảng số, thương mại điện tử hiệu quả.
Vượt qua đứt gãy các chuỗi cung ứng do dịch Covid-19… năm 2021 ngành nông nghiệp đã đạt giá trị gia tăng toàn ngành khoảng 2,9%
Là 1 trong số 57 cá nhân đạt Giải thưởng Lương Định Của vừa qua, chị Đinh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Nhung Luỹ (ở xã Yên Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, mặc dù tỉnh Bắc Kạn không có nhiều ca F0, song dịch Covid-19 vẫn khiến việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Do đó, chị đã thay đổi chiến lược kinh doanh, liên kết sản xuất… để đưa lạp sườn gác bếp Tây Bắc, bí xanh thơm Ba Bể… xuống bán “dưới xuôi” bằng nhiều hình thức khác nhau.
“Năm 2021 là một năm khó khăn đối với tất cả chúng ta. Chúng tôi đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh, liên kết sản xuất. Thay vì kênh truyền thống như trước đây, chúng tôi đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tăng cường bán trên hệ thống website, liên kết với siêu thị… Dịch Covid-19 khiến hàng loạt chợ truyền thống đóng cửa, Hợp tác xã Nhung Lũy đã tổ chức bán nông sản bằng nhiều hình thức như livestream đến ký kết hợp đồng tiêu thụ với các hệ thống siêu thị lớn... Nhờ ứng dụng các công nghệ nên may mắn chúng tôi cũng vượt qua đại dịch năm 2021, không bị ảnh hưởng nhiều”, chị Nhung cho biết.
Còn với Công ty chế biến sợi tự nhiên ABACA Việt Nam của anh Hồ Xuân Vinh ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, năm 2021 lại được xem như quãng thời gian nghỉ và là cơ hội để củng cố, ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng thương hiệu, chiến lược dài hạn, tìm hiểu, tạo ra thêm những kênh bán hàng mới.
“Đa dạng kênh bán hàng, nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới, đưa công nghệ vào trong sản xuất và năm qua công ty bên tôi cũng đã đăng ký sở hữu trí tuệ một số sáng chế. Tất cả việc này là để chờ khi đại dịch Covid-19 qua đi sẽ “bùng nổ” hơn trong việc phát triển thị trường”, anh Vinh cho hay.
Đa dạng kênh bán hàng, đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử là lựa chọn của nhiều người trẻ làm nông nghiệp trên cả nước
Công nghệ và Internet đến tới vùng sâu, vùng xa
Theo Văn Phòng điều phối Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cách đây 5 năm, nếu đến các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên, khó có thể thấy bà con ở đây sử dụng máy tính, điện thoại hay mạng xã hội. Song, khi các dự án làm kinh tế nông nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi, thử nghiệm các mô hình khởi nghiệp, bà con vùng sâu, vùng xa bắt đầu được tiếp cận Internet, mở rộng thị trường và liên kết kinh doanh, quảng bá, bán sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Đặc biệt, cùng với sự vận động của hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên địa phương... bà con nông dân cũng tin tưởng, vận động nhau cùng thử nghiệm các mô hình khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Anh Trần Văn Công, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cũng là một trong 57 cá nhân khởi nghiệp tiêu biểu vừa nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2021 đã không ngừng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, để vượt qua những khó khăn vì dịch Covid-19. Hợp tác xã của anh Công đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 40 thanh niên địa phương, với mức thu nhập mỗi người là từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng.
Ứng dụng công nghệ dựa trên cơ sở dữ liệu của Việt Nam, dựa trên mô hình của Việt Nam và dựa trên bài toán cụ thể của Việt Nam.
Để có thể đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, Tiến sỹ Chử Đức Hoàng, Phó Trưởng phòng Tài trợ Đề tài hoạt động, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các mô hình, dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ cần được tập hợp, tạo nên mạng lưới dữ liệu về khoa học công nghệ, để có thể ứng dụng rộng rãi trên khắp mọi miền đất nước.
“Việt Nam với đặc thù là một nước về nông nghiệp, chúng ta hình thành và xây dựng chuỗi giá trị, đồng thời là chuỗi sản phẩm nông nghiệp và vươn ra thế giới cũng rất quan trọng. Đối với một số nghiên cứu để có thể tạo ra được sản phẩm dịch vụ, đòi hỏi sự chung tay đóng góp rất nhiều của các “nông dân” trẻ. Sức trẻ là ưu thế rất lớn để khởi nghiệp và khẳng định vị thế nông nghiệp của Việt Nam”, ông Hoàng nói.
“Vai trò của đổi mới sáng tạo thì nó sẽ gồm hai yếu tố: Thứ nhất là khởi nghiệp sáng tạo. Thứ hai là đổi mới công nghệ. Chúng ta cùng chung tay gắn kết tạo ra một mạng lưới thực hiện tốt, tạo ra một cơ sở dữ liệu tri thức tốt và đồng thời tạo ra một cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, để sẵn sàng có thể ứng dụng và đổi mới thực hiện tại Việt Nam, dựa trên cơ sở dữ liệu của Việt Nam, dựa trên mô hình của Việt Nam và dựa trên bài toán cụ thể của Việt Nam”, ông Hoàng nhấn mạnh./.
Theo Vân Anh/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-doi-so-giup-thanh-nien-nong-thon-vuot-bao-covid-19-post916639.vov