Cập nhật: 09/01/2022 07:50:00
Xem cỡ chữ

Năm 2021 đã khép lại, đến thời điểm này có thể khẳng định: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, đất nước ta đã đạt nhiều kết quả trong phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế.

Vượt khó khăn do dịch bệnh, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn, thử thách với đất nước. Những hậu quả nặng nề do hai đợt dịch Covid-19 trong năm 2020 chưa kịp khắc phục thì chúng ta lại gặp liên tiếp thêm hai đợt dịch Covid-19 trong năm 2021 khiến những khó khăn càng thêm chồng chất. Nhưng với tinh thần quyết liệt khẩn trương - “chống dịch như chống giặc”, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Đảng, những quyết sách mạnh mẽ của Quốc hội và bàn tay chèo lái vững vàng của Chính phủ, những khó khăn đã từng bước được tháo gỡ. Những hậu quả nặng nề do đại dịch gây ra từng bước được khắc phục.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2021, triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2021, triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Mặc dù dịch bệnh có diễn biến phức tạp, gây ra sự đình trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhưng trong năm 2021, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế xã hội, với GDP tăng 2,58%. Thu ngân sách về đích trước 1 tháng và tăng hơn 1,5%, xuất khẩu vượt mốc 300 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt hơn 29 tỷ USD. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 2,8%. 

Theo tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đây chính là thành tựu chung của toàn thể hệ thống chính trị, người dân và đội ngũ doanh nghiệp nước nhà.

Tiến sĩ Tô Hoài Nam cho biết: "Bối cảnh của năm 2021 so với năm 2020 là khó khăn hơn nhiều. Đặc biệt là tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, những chỉ tiêu về tăng trưởng phát triển kinh tế-xã hội như tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu có những bước tăng trưởng. Đó là những thành tựu chung của toàn hệ thống chính trị, người dân cũng như doanh nghiệp Việt Nam."

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong năm 2021 là sự cố gắng không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt phải kể đến đó sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Bên cạnh đó là các quyết sách mạnh mẽ của Quốc hội và đặc biệt là bàn tay chèo lái vững vàng của Chính phủ.

Những quyết sách nhân văn, kịp thời để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Đặt trong bối cảnh năm 2021 với hai đợt bùng phát của dịch bệnh, Quốc hội, Chính phủ đều có sự chuyển giao nhiệm kỳ nên những khó khăn lại càng nhân lên gấp bội. Ngay khi kiện toàn Quốc hội khóa XV và Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, toàn hệ thống đã kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương và hiệu quả đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho người dân. Đồng thời từng bước tháo gỡ những khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước đang bị ngưng trệ vì dịch bệnh.

Năm 2021, Chính phủ tiếp tục có những cuộc họp bất thường. 

Năm 2021, Chính phủ tiếp tục có những cuộc họp bất thường. 

Những cuộc họp bất thường của Quốc hội và Chính phủ, những quyết sách mang tính đặc thù chưa có tiền lệ được ban hành cho thấy rõ một tinh thần khẩn trương gấp gáp. Với mục tiêu tối thượng và duy nhất là ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành hơn 150 nghị quyết, hơn 80 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 30 quyết định mang tính quy phạm pháp luật. Các bộ, ngành cũng ban hành hơn 250 thông tư để tháo gỡ các rào cản, khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh và phòng, chống dịch.

Các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng và trúng được triển khai kịp thời chính là những yếu tố quan trọng để dịch bệnh từng bước được kiểm soát, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Nhờ vậy những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến đời sống của người dân đã được giảm thiểu, sản xuất kinh doanh dần được phục hồi.

Nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Báo cáo trước Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng chống dịch Covid-19, khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế, quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo phương châm: Nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, kịp thời với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết".

Trong năm qua, Đảng và Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine phòng Covid-19 vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp: Thành lập quỹ vaccine, tiến hành ngoại giao vaccine, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử và có giai đoạn đạt tốc độ cao hơn trung bình thế giới 30%.

Hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 đã về đến Việt Nam thông qua chiến lược "ngoại giao vaccine".

Hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 đã về đến Việt Nam thông qua chiến lược "ngoại giao vaccine".

Tính đến nay, gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm một liều vaccine phòng Covid-19 và hơn 80% người dân được tiêm 2 liều, tăng hơn 21 lần so với cuối tháng 8/2021. Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ rất nhân văn, có giá trị thiết thực cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch đã được ban hành và đi vào cuộc sống.

Tính đến ngày 15/12/2021 gần 29 triệu lượt người và gần 340.000 đơn vị sử dụng lao động đã nhận được hỗ trợ, với số tiền lên đến hơn 31.000 tỷ đồng. Cũng trong năm 2021, Chính phủ đã hỗ trợ gần 150.000 tấn gạo cho 2,5 triệu lượt hộ thiếu đói do giáp hạt, ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai. Những kết quả đạt được trong phòng, chống dịch bệnh, phục hồi sản xuất, kinh doanh, sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực và nhân văn như vậy được người dân ghi nhận và đánh giá cao.

Năm 2021 qua đi, năm 2022 đã đến, những khó khăn thách thức vẫn còn phía trước. Dịch bệnh tuy đã phần nào được kiểm soát nhưng vẫn còn những diễn biến khó lường. Chính vì vậy, cùng với bàn tay chèo lái vững vàng của Đảng, Nhà nước thì cũng cần hơn nữa ý chí và nội lực mạnh mẽ để vượt qua gian khó trong mỗi người dân, đồng hành cùng dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức./.

Theo Nghiêm Hùng - Thúy Hà/VOV1

https://vov.vn/chinh-tri/dau-an-chinh-phu-nam-2021-song-du-ca-tay-cheo-van-vung-post916632.vov