Cập nhật: 12/01/2022 09:50:00
Xem cỡ chữ

Vĩnh Tường là một miền quê trù phú ven Sông Hồng, nơi có bề dày truyền thống văn hiến, cách mạng và những giá trị văn hóa đặc sắc được trao truyền, lưu giữ, tiếp nối qua nhiều thế hệ, đã trở thành nền tảng, thành động lực quan trọng trên hành trình đổi mới và phát triển của quê hương Vĩnh Tường. Từ một huyện có nền kinh tế chậm phát triển, sau 25 tái lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Tường đã làm nên những dấu ấn đậm nét với bước đột phá đáng tự hào.

Khi mới tái lập (1/1/1996), Vĩnh Tường gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật yếu kém, công nghiệp hầu như chưa có gì, thương mại là lĩnh vực chính trong ngành dịch vụ nhưng quy mô nhỏ bé. Từ thực tế đó, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 1996-2000 đã xác định mục tiêu chủ yếu là: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra. Qua 6 kỳ Đại hội, BCH Đảng bộ huyện đã đề ra những mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn và đã lãnh đạo đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6% giai đoạn 1996-2000 lên 11, 32% giai đoạn 2015-2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng Nông nghiệp, tăng tỷ trọng Công nghiệp - Xây dựng và Dịch vụ. Trong đó, ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm 54,58%; Dịch vụ 29,88%; Nông - Lâm - Thủy sản 15,54%. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,1 triệu đồng năm 1996 tăng lên 58,5 triệu đồng năm 2021. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên đáng kể. Đó thực sự là những con số biết nói, minh chứng cho sự phát triển chung của huyện trong 25 năm qua.

Để có được kết quả ấn tượng đó, BCH Đảng bộ huyện Vĩnh Tường đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế và đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, vì thế, Vĩnh Tường luôn được đánh giá là một trong những huyện đi đầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cơ cấu mùa vụ; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Năm 2011, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Vĩnh Tường bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của Nhân dân. Với cách làm sáng tạo và bước đi phù hợp, chương trình xây dựng NTM của huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ nguồn vốn huy động gần 6.900 tỷ đồng, các địa phương đã nỗ lực hoàn thành 19 tiêu chí trong chương trình. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Vĩnh tường đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Vĩnh Tường dẫn đầu các địa phương của tỉnh và thành công trong thực hiện dồn thửa, đổi ruộng, xây dựng NTM với số xã đạt chuẩn nhiều nhất tỉnh. Từ đó, đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện và hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Khi mới tái lập, như một số huyện khác trong tỉnh, Vĩnh Tường chưa có Công nghiệp. Tiểu thủ Công nghiệp chủ yếu phát triển theo hướng hộ gia đình, chất lượng sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Sau 25 năm, huyện Vĩnh Tường đã tập trung quy hoạch, đầu tư cho phát triển các làng nghề, các cụm - khu công nghiệp, cụm KT- XH trên địa bàn. Hạ tầng đô thị và nông thôn được đầu tư đồng đồng bộ, có trọng điểm, đã hình thành một số khu, cụm công nghiệp, khu đô thị như Cụm KT-XH Tân Tiến, Đại Đồng; Cụm công nghiệp Đồng Sóc; Khu đô thị Phúc Sơn, Khu đô thị mới Tứ Trưng, thị trấn Vĩnh Tường. Từ 1 thị trấn huyện lỵ ban đầu, đến nay, huyện Vĩnh Tường đã có 3 thị trấn, 3 đô thị loại V; các hoạt động dịch vụ phát triển sôi động. Nhiều tuyến đường, dự án trọng điểm được triển khai đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt, công tác thu, chi ngân sách hằng năm của huyện Vĩnh Tường đều đạt và vượt dự toán giao. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 32%. Huyện đã thực hiện thu đúng, chi đủ theo quy định của pháp luật; trong chi ngân sách đã chú ý đến việc bố trí đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, mở rộng ngành nghề và giảm nghèo.

Sau 25 năm tái lập, tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương văn hiến, giáo dục Vĩnh Tường đã có những bước phát triển vượt bậc. Xác định rõ quan điểm “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển” nên cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học được huyện quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay, 100% các xã, thị trấn trong huyện đều đã có trường học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Toàn bộ 87 trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng giáo dục luôn giữ vững vị trí tốp đầu của tỉnh. Đặc biệt việc đầu tư xây dựng Trường chất lượng cao của huyện đã góp phần đào tạo, nuôi dưỡng nhiều tài năng của huyện.

Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát triển ở cả bề rộng và chiều sâu. Mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y, bác sỹ không ngừng phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân. Vĩnh Tường luôn là điểm sáng của tỉnh trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ 22,22% năm 1996 xuống còn 0,98% năm 2021.

Những kết quả mà huyện Vĩnh Tường đạt được từ khi tái lập đến nay là mốc son đánh dấu sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và Nhân dân trong suốt 25 năm qua. Với mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, xây dựng huyện Vĩnh Tường trở thành đô thị loại IV vào những năm đầu của thập niên 20 và đến năm 2030 trở thành đô thị vệ tinh của đô thị Vĩnh Phúc, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Tường tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, tất cả vì lợi ích của Nhân dân.

Phát huy truyền thống của các thế hệ trước, dưới sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, bằng sự vận dụng sáng tạo những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương và với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, huyện Vĩnh Tường không ngừng đổi mới và phát triển bền vững, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành “một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta” như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu./.

Kim Liên