Cập nhật: 07/02/2022 13:48:00
Xem cỡ chữ

Khảo sát của VCCI cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp lớn ứng dụng các công nghệ số cao hơn, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã dần bắt kịp kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát 2 năm trở lại đây.

Dịch Covid-19 đã giúp các doanh nghiệp nhận thức và thúc đẩy chuyển đổi số thông qua việc ứng dụng công nghệ số. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số.

Ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đã ứng dụng được công nghệ số vào các vấn đề như mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics, sản xuất và marketing. Trong đó, cụ thể là các hoạt động như sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng... Tuy nhiên, việc ứng dụng trong sản xuất thì còn rất yếu, như ứng dụng thiết bị IoT, rô bốt, dây chuyền tự động hoá hay hệ thống điều hành sản xuất nhà máy…

Nhiều các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số.

“Năng lực chuyển đổi số khi so sánh giữa hai doanh nghiệp, thì rõ ràng doanh nghiệp lớn có năng lực chuyển đổi số tốt hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở hầu hết tất cả khía cạnh. Do đó, nếu muốn thúc đẩy chuyển đổi số chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi khối doanh nghiệp này đang gặp khó khăn nhiều hơn đến nguồn nhân lực; vấn đề nội bộ, chi phí ứng dụng này về mặt nguồn nhân lực, nguồn tiền… Các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn liên quan đến vấn đề về bên ngoài, đó chính là các vấn đề về môi trường kinh doanh, thể chế, cho một hành lang pháp lý trong việc chuyển đổi số” - ông Lương Minh Huân nêu thực tế.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thời gian tới, ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, cần thúc đẩy chuyển đổi số gắn với quản trị doanh nghiệp trong 3 trụ cột chính là tài chính, nguồn nhân lực và maketting.

Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống tài liệu để hướng dẫn các doanh nghiệp, phải xây dựng môi trường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; hình thành hệ thống tổ chức điều phối mạng lưới để doanh nghiệp xây dựng chuyển đổi số. Song song đó là hỗ trợ, đào tạo lại nhân lực khi tham gia chuyển đổi số, cần có những tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực để chuyển đổi số được thành công.

Cần thúc đẩy chuyển đổi số gắn với quản trị doanh nghiệp trong 3 trụ cột chính là tài chính, nguồn nhân lực và maketting.

“Phải đào tạo lại từ người đứng đầu cho những người ở vị trí thấp nhất của doanh nghiệp, phải nhận thức một cách đầy đủ chứ không đơn thuần chỉ là công nghệ thông tin, đó là cả vấn đề tư duy nhận thức, về công tác quản trị. Cần có hệ thống chuyên gia tư vấn, cụ thể như trong quản trị tài chính thì cần cái gì? Trong tài chính việc quản trị rủi ro ra làm sao? Quản trị nguồn nhân lực thì viêc sử dụng nguồn lực như thế nào để phù hợp với nền kinh tế số của chúng ta, do đó phải có chuyên gia tư vấn là rất cần thiết” - ông Nguyễn Đức Thuận nói./.

Theo Nguyễn Hằng/VOV1

https://vov.vn/kinh-te/chuyen-doi-so-can-quan-tam-nhieu-hon-cac-doi-tuong-doanh-nghiep-nho-va-vua-post922678.vov