Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất trong năm. Tuy vậy, nhiều nghi lễ, phong tục ngày Tết chưa được thế hệ trẻ hiểu rõ. “Kể chuyện văn hoá Việt” là bộ sách không chỉ giúp các độc giả nhỏ tuổi mà còn giúp những người trưởng thành hiểu sâu hơn về những phong tục, nét đẹp văn hoá người Việt nói chung và trong dịp Tết nói riêng.
Bộ sách “Kể chuyện văn hoá Việt”. Ảnh: Nhà sách Thái Hà
Khám phá văn hoá dân tộc
“Kể chuyện văn hoá Việt” của tác giả Đặng Thị Phương Anh là bộ sách thiếu nhi về văn hoá Việt Nam dẫn dắt các bạn nhỏ vào không gian đậm màu sắc văn hoá truyền thống của người Việt xưa. Với những chủ đề về trang phục, phong tục, lễ nghi... các độc giả nhỏ tuổi sẽ được tìm hiểu khám phá những điều tuyệt vời về văn hóa nhà ở, làng xóm của dân tộc mình.
Cùng với đó là những câu chuyện kể về nguồn gốc của nhà sàn, nhà nền đất, nhà thuyền, tìm hiểu về phong tục truyền thống trong quan niệm làm nhà của người xưa, khám phá những điều tuyệt vời về trang phục của dân tộc mình, về các phong tục truyền thống như nhuộm răng, vấn tóc của người Việt xưa. Mỗi phong tục đều thể hiện rất rõ con người đã ứng phó như thế nào với môi trường tự nhiên xung quanh. Sau đó là con người đã thích nghi ra sao với điều kiện lao động sản xuất.
Theo TS Đặng Thị Phương Anh, TS chuyên ngành Quản lý Văn hoá, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - tác giả của cuốn sách, “Kể chuyện văn hoá Việt” không chỉ giúp các bạn nhỏ mà còn giúp người lớn hiểu rằng văn hóa truyền thống, văn hóa quốc gia là những điều mà hằng ngày chúng ta trải nghiệm. Gần gũi và nằm trong hơi thở của cuộc sống. Và trong dịp Tết Nguyên đán, các bạn nhỏ được trở về cội nguồn, quê quán thăm viếng ông bà, họ hàng, thực hiện các phong tục truyền thống. Vì thế, đây là dịp để các bạn tìm hiểu, khám phá rõ hơn về văn hoá của dân tộc mình.
“Bản thân khái niệm “ngày Tết” sẽ trở thành một câu hỏi với các bạn nhỏ. Vì chúng ta có khái niệm Tết tây và Tết ta. Vậy tại sao người Việt ăn Tết ta? Tại sao chúng ta có quan niệm, phong tục đoàn viên, trở về quê hương, thăm viếng họ hàng và nhớ về nguồn cội, thắp hương cúng gia tiên trong những ngày Tết? Chắc hẳn đây là những câu hỏi mà các bạn nhỏ luôn thắc mắc. Để lý giải cho sự tò mò đó, chúng tôi đã dẫn dắt các độc giả nhí đi vào tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Việt qua bộ sách “Kể chuyện văn hoá Việt” TS Đặng Thị Phương Anh chia sẻ.
Xuất khẩu văn hoá Việt ra thế giới
Bàn về bộ sách “Kể chuyện văn hoá Việt”, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books đã đưa ra những phân tích về văn hóa phương Đông và phương Tây. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bộ sách “Kể chuyện văn hoá Việt” cần phải xuất bản bằng tiếng Anh, để quảng bá rộng rãi văn hoá nước nhà với độc giả quốc tế. Với cách tiếp cận dễ hiểu, gần gũi, độc giả quốc tế sẽ dễ tiếp cận tìm hiểu về văn hoá Việt. Chúng ta có thể mang cuốn sách đến hội sách Frankfurt (Đức) được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 10, hội sách của Luân Đôn diễn ra vào đầu tháng 3 hay hội sách Nhật Bản vào 1.11...
Đối với các quốc gia trong khu vực Châu Á, tổng thể văn hóa Việt Nam khác biệt so với văn hóa Hàn Quốc, văn hóa Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản. Vì thế, chúng ta phải tìm cách để mang văn hóa của Việt Nam ra thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, gần đây, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 nhưng ông vẫn gặp nhiều người nước ngoài ở Huế, Sài Gòn đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Và ở đường sách Hà Nội, luôn bắt gặp những độc giả quốc tế đến tìm mua sách. Điều này cho thấy rằng, họ đang tò mò văn hóa Việt Nam và chúng ta có thể làm được việc đơn giản là xuất khẩu văn hóa Việt Nam ra thế giới.
“Chúng ta có thể mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài bằng cách cầm cuốn sách mời các bạn nước ngoài đến Việt Nam, đến các trung tâm văn hóa mời họ đến xem một số hình ảnh, thậm chí đề xuất làm 1 số mô hình ví dụ như nhà sàn bằng mô hình, bookmark...” Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý.
Khi khái niệm “công dân toàn cầu” ngày càng phổ biến, bản sắc văn hoá quốc gia càng được chú trọng nhiều hơn. Vì vậy, việc xuất khẩu văn hóa Việt qua từng trang sách cũng cần được hiện thực hóa bằng các chiến lược, hành động cụ thể, mạnh mẽ hơn. Và bộ sách “Kể chuyện văn hoá Việt” có thể là một minh chứng cho việc quảng bá văn hoá Việt.
Theo HƯƠNG MAI/laodong.vn
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ngay-dau-xuan-ke-chuyen-van-hoa-viet-1001646.ldo