Cập nhật: 10/02/2022 08:00:00
Xem cỡ chữ

Tết với dân miệt hai mùa mưa nắng gần như ngày hội gia đình, con cháu xa xứ tìm về quê cha đất tổ, dịp rảnh rỗi cả nhà đoàn tụ cơm nước đầm ấm. Vì vậy hiếm nhà nào đi chơi xa trong các mùng.

Bữa cơm ngày Tết Nam Bộ

Xưa dân Nam Bộ dầm mưa dãi nắng ruộng đồng, chài lưới suốt tháng ngày cực nhọc thì Tết càng là dịp nghỉ ngơi hội hè "tháng giêng là tháng ăn chơi". Lúa gặt đập phơi phóng quây bồ vừa dứt, rằm tháng chạp lặt lá mai xong thiên hạ lao xao chuẩn bị đưa ông Táo dìa trời, hăm ba tháng chạp.

Chẳng hiểu sao thèo lèo cứt chuột bao giờ cũng phải có, các thanh kẹo đậu phộng, mè đen, cốm, mứt cứt chim hình chữ nhật xinh xinh cỡ ngón tay út trộn chung như báo tin tiết xuân sang.

Hai bốn trở đi nhà nhà lo dọn dẹp, quét vôi, phơi phóng lá chuối, làm kiệu, mứt, củ cải ngâm nước mắm. Các má các chị tỉ mỉ tẩn mẩn lặt, bóc vỏ kiệu mà thương.

Cả đống lá lú bùn sình phút chốc trắng bóc phát mê rồi còn trộn tro, ngâm giấm, từng hũ kiệu nõn nà phơi sáng lấp lánh dưới trưa rực nắng trông thèm làm sao.

Đêm hai lăm chợ đêm chợ Tết, chợ hoa rộn rịp vô mùa, dưới ánh đèn từng đống dưa hấu xanh thẳm ngồn ngộn, người bán che rạp quây quầy mứt bí, dừa, khoai lang, hạt sen, me, chà là, hạt dưa. Hàng đường đậu nếp, thịt heo, đồ khô như táo tàu, kim châm, bao lì xì, vải, quần áo… đông khách mua, bán đắt hơn tôm tươi.

Các xe bong bóng, kẹo kéo thổi kèn ò e thu hút đám con nít vây quanh. Dừa tươi, đu đủ non, sung chùm nhỏ xíu, quýt, thơm, mãng cầu, xoài bị vây ken cứng ai cũng chen lấn lựa bằng được trái đẹp trái tươi chưng mâm ngũ quả "Cầu-sung-dừa-đủ-xài".

Chợ hoa Nguyễn Huệ lừng danh bao thập niên, tíu tít nhộn nhịp rừng hoa rừng người xem, chọn chậu cúc bụi thược dược. Nhiệm vụ long trọng của đám đàn ông trai tráng sáng ba mươi là dựng nêu, ranh tre san sát nhà phải chọn cây mập, thẳng, dáng thon từ gốc tới ngọn, cao gần ba sào.

Róc tre, đào lỗ thì dễ chứ chọn hướng cho lá bùa bát quái bay phần phật, sáo trúc, kim khí trấn tà kêu lanh canh phải chính các cụ cao niên chỉ bảo.

Tết xưa Nam Bộ - Ảnh 2.

Món khổ qua không thể thiếu trong ngày Tết

Bày biện bàn thờ, dán liễn đỏ thường người quan trọng nhất nhà đích thân gánh vác. Trong lúc đó, phái nữ lưu tất bật dao thớt, củi lửa sửa soạn mâm cúng rước ông bà, có nhà đúng ngọ là phải tươm tất tề tựu cả gia đình trước bàn thờ tổ tiên nghi ngút nhang khói.

Bốn món dứt khoát không thể thiếu trên mâm cơm Tết người phương Nam là thịt kho nước dừa, canh khổ qua, đầu heo ngâm giấm và dưa giá.

Thịt kho tàu hay thịt đùi heo kho chung nước dừa xiêm đắc địa ở chỗ miếng thịt mềm mại tơi từng sợi, mỡ beo béo, nước mắm dừa lửa riu riu trong veo hệt hổ phách, ăn với cơm gạo mới gặt thơm phưng phức. Khổ qua tiếng bóng gió năm mới may mắn tai qua nạn khỏi.

Riêng lỗ tai, mũi heo ngâm giấm quả tuyệt chiêu, giòn giòn chua chua cuốn chung bánh tráng, dưa giá chấm nước mắm ớt ăn hoài không ngán. Xưa kia chỉ cần giở khạp dưa giá ra ỉu xìu là các bà các chị mau mau chắp tay xin trời đất năm tới tai qua nạn khỏi, dưa giá trắng bóc, nhai ròn rã mới tốt cửa tốt nhà.

Cực mà vui nhất nấu bánh tét cuối năm, lá chuối phơi phóng sẵn, cả nhà xúm lại lau lá, tước dây, xào nhân. Từng đòn bánh xanh mướt thắt lạt chặt chịa được sắp vào nồi to tựa cái lu nhỏ đun củi gộc phừng phừng lửa.

Người lớn vừa canh bánh vừa râm ran hàn huyên tâm sự, con nít ngủ gà ngủ gật đợi cúng giao thừa. Củi tàn bánh chín cũng là giờ khắc thiêng liêng chuyển giao giữa hai con giáp.

Dĩa bánh tét, mâm ngũ quả đủ màu sắc rực rỡ, cành mai vàng bung nụ, cặp dưa căng mọng dán chữ đỏ thếp nhũ kim, hộp mứt bát giác, trà rượu gói giấy kiếng đỏ chói...

Dưới trời đêm đen như mực, gia quyến nghiêm trang thành kính cầm nén hương khấn vái mong gia đình an khang thịnh vượng. Cùng lúc tiếng pháo râm ran rồi từng đợt từng đợt vang lừng, hơi xuân ấm áp tỏa khắp trời.

Tết xưa Nam Bộ - Ảnh 3.

Có ai quên được món quen thuộc này mỗi Tết phương Nam?

Sáng mùng một ngoài đường trước ngõ tĩnh lặng im phăng phắc. Rất nhiều kiêng kỵ như cãi cọ, ồn ào, động dao, động thớt, cấm quét rác ra cửa, không được mở cửa cho tới khi có người xông đất. Trong nhà thì ngược lại đám trẻ lăng xăng diện áo mới chờ chúc Tết ông bà cha mẹ để được lì xì rồi xúm xít ăn bánh tét, dưa món, chơi lô tô, bầu cua cá cọp…

Quý nhân đến xông đất đầu tiên thể hiện niềm may mắn hay xui xẻo cho gia chủ, vì vậy ít ai ra khỏi nhà sớm mùng một trừ khi được mời. Quá 12 giờ trưa hay nhiều khi tận sáng mùng hai người ta bắt đầu xuất hành thăm họ hàng, mồ mả thân tộc.

Mấy ngày Tết cúng kiếng rất được coi trọng, bữa cơm nào cũng vậy, cúng tổ tiên xong mới được dùng. Mùng ba Tết nhà, gói bánh ít, tục Tết nhà phải thức dậy trước canh năm, cứ ba dĩa bánh ít, ba dĩa tam sên tôm khô thịt luộc trứng gà, ba dĩa mứt, ba dĩa trái cây.

Chợ búa tiệm quán tận mùng bốn lác đác vài gánh rau, lá chuối, gà… cho thiên hạ mua đồ tiễn ông bà về trời, gà bán rất mắc vào ngày này vì món tiềm gà không thể thiếu trong mâm cúng.

Mùng tám cúng sao hay vía trời, đồ cúng toàn trái cây cặp dừa tươi, cam, quýt và mứt, kèm ba dĩa nhỏ trà khô, người cúng tắm rửa thanh thoát bày đồ ngoài trời lúc nửa đêm trời đầy sao.

Tết với dân miệt hai mùa mưa nắng gần như ngày hội gia đình, con cháu xa xứ tìm về quê cha đất tổ, dịp rảnh rỗi cả nhà đoàn tụ cơm nước đầm ấm. Vì vậy hiếm nhà nào đi chơi xa trong các mùng.

Múa lân ông Địa quạt mo rảo từng nhà, ai mời bái gia tiên thì trổ tài nhào lộn, tung hứng, chồng người đớp pháo lì xì. Hội hè chỉ diễn ra trước rằm tháng chạp và sau mùng bốn tháng giêng âm lịch. Nghênh ông, cúng đình náo nhiệt tùy vùng từ mùng năm tới rằm.

Lễ nghinh ông rước thần: các cụ già áo dài khăn đóng đi hàng đôi có đám thanh niên cầm lọng, cờ, phướn, gõ phèn la chập chỏa, trống thùng thùng ben ben theo sau kế mới là hàng ngũ diễn viên hát bội giả trang vẻ mặt ông thần bà chúa, múa kiếm, đao, côn…

Cúng đình đi liền sau nghênh ông, đình làng quê năm nào cũng rước đoàn cải lương hay hát bội về để cúng xong diễn tuồng tích Phụng Nghi Đình, Lưu Kim Đính, Chung Vô Diệm.

Theo DƯƠNG VĂN MINH LỘC/tuoitre.vn

https://tuoitre.vn/tet-xua-nam-bo-20220206162939961.htm