Hình ảnh đồng chí Tô Hiệu với cây đào được trồng tại Nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ cộng sản, là biểu tượng của sức sống cách mạng...
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng thân nhân gia đình đồng chí Tô Hiệu và các đại biểu tham quan triển lãm về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)
Sáng 3/3, tại Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Tô Hiệu - Người cộng sản kiên trung," nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (1912-2022).
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông, cùng thân nhân gia đình đồng chí Tô Hiệu và các khách mời đã tham dự buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, ông Tô Quyết Tiến - thân nhân gia đình đồng chí Tô Hiệu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Chương - nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La Nguyễn Vũ Điền… đã chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu; nhất là những năm tháng đồng chí Tô Hiệu bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La.
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và được nuôi dạy trong một gia đình nền nếp.
Phát huy truyền thống của quê hương và gia đình, đồng chí Tô Hiệu hăng hái tham gia các phong trào yêu nước từ khi mới 14 tuổi.
Tích cực tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Tô Hiệu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương cuối năm 1932, sau đó giữ nhiều trọng trách trong Đảng.
Quang cảnh buổi Tọa đàm Tô Hiệu - Người cộng sản kiên trung. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)
Cuối năm 1939, đồng chí Tô Hiệu bị địch bắt lần thứ 2 và đày lên Nhà tù Sơn La đầu năm 1940. Tại đây, đồng chí Tô Hiệu đã tích cực tham gia tổ chức những chiến sĩ cộng sản đấu tranh chống chế độ lao tù đế quốc.
Đặc biệt, trung tuần tháng 2/1940, Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được cử làm Chi ủy viên, kiêm Tổ trưởng Tổ đảng. Tháng 5/1940, Đại hội Chi bộ bí mật được triệu tập, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư Chi bộ…
Do chế độ hà khắc của nhà tù thực dân cùng căn bệnh hiểm nghèo, ngày 7/3/1944, đồng chí Tô Hiệu hy sinh tại Nhà tù Sơn La và được an táng tại nghĩa trang Gốc Ổi (nay là Nghĩa trang Nhà tù Sơn La).
Với 32 năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân, hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, cuộc đời cũng như sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là một tấm gương sáng của một chiến sỹ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta.
Hình ảnh đồng chí Tô Hiệu với cây đào được trồng tại Nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ cộng sản tại đây; đồng thời là biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên và mãi nở hoa, kết trái.
Xen lẫn phần tọa đàm là những tiết mục nghệ thuật đặc sắc ca ngợi cũng như tri ân đồng chí Tô Hiệu, do các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Sơn La thể hiện, biểu diễn.
Thông qua buổi tọa đàm, đã góp phần làm rõ bản lĩnh chính trị kiên cường, phẩm chất cách mạng trong sáng, chí công vô tư, tinh thần hy sinh quên mình vì lợi ích cách mạng của Liệt sỹ Tô Hiệu; đồng thời, khẳng định công lao to lớn và nhân cách mẫu mực của đồng chí Tô Hiệu, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La và Hội Khuyến học tỉnh Sơn La trao học bổng Tô Hiệu cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích xuất sắc trong học tập. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)
Dịp này, Quỹ học bổng Tô Hiệu do Hội Khuyến học tỉnh Sơn La quản lý đã trao học bổng cho 9 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích xuất sắc trong học tập; phát động ủng hộ Qũy học bổng Tô Hiệu. Sau khi phát động, các doanh nghiệp và cá nhân đã ủng hộ Quỹ hơn 6 tỷ đồng.
Cũng trong sáng 3/3, tại thành phố Sơn La, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông, cùng thân nhân gia đình đồng chí Tô Hiệu và các đại biểu đã dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ ở Quảng trường Tây Bắc; viếng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Nhà tù Sơn La; dâng hương tại Nhà tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Nhà tù Sơn La và nơi đồng chí Tô Hiệu hy sinh tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La./.
Theo Nguyễn Cường (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-nguoi-cong-san-kien-trung-to-hieu/776091.vnp