Cập nhật: 23/03/2022 11:00:00
Xem cỡ chữ

Đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới đời sống, kinh tế xã hội. Để khắc phục những ảnh hưởng từ đại dịch, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, tạo sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính. Qua đó, không chỉ tạo được niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính mà còn tạo nền tảng quan trọng cho việc hướng đến xây dựng chính quyền số tại địa phương.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã thể hiện được vai trò là đầu mối tập trung trong tiếp nhận giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính(TTHC). Để cung cấp thông tin về TTHC nhanh chóng, thuận tiện; tiếp nhận, trả kết quả và giải quyết TTHC đảm bảo công bằng, khách quan, minh bạch, thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ và tăng cường triển khai các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đem lại thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Hầu hết hồ sơ TTHC được giải quyết, trả kết quả qua Trung tâm đều đúng và sớm hơn lịch hẹn.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm tiếp nhận trên 134.100 hồ sơ, kết quả trả trước và đúng hạn đạt trên 98%. Trung tâm đã tiếp nhận trên 11.000 hồ sơ trực tuyến trên cổng Dịch vụ công của tỉnh và cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt 37,8% hồ sơ của các TTHC đã công bố trực tuyến. Đặc biệt nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng chuyển đổi số, Trung tâm đã tích hợp, cập nhật hơn 600 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công tỉnh, đồng bộ được 151 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bàn ký điện tử được trang bị tại 100% các quầy giao dịch, phục vụ cho việc xác nhận lấy kết quả giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân.Với sự nỗ lực đó, năm 2021, hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn của Trung tâm đạt gần 99%.

Theo kết quả công bố của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, năm 2020 chỉ số SIPAS của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 90,53%, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, tỉ lệ hài lòng về tiếp cận dịch vụ nói chung đạt 91,33%.Thông qua Chỉ số nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước. Qua đó, giúp các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được thực trạng chất lượng dịch vụ công, nhu cầu, mong đợi của người dân và tổ chức để xác định, thực hiện những biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ, mang lại sự hài lòng cho người dân và tổ chức./.

Thanh Tùng